Từ nhiều năm nay các hộ dân và trường học quanh khu vực cầu Phú Ninh, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương phải sống chung với mùi khó chịu do khói đốt rác thải phát ra từ bãi rác gần đó. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân.
Mục đích ban đầu, đây chỉ là bãi tập kết rác thải sinh hoạt tạm của nhân dân xã Thanh Vân, huyện Tam Dương. Thế nhưng sau nhiều năm, nó đã trở thành bãi xử lý rác của xã. Điều đáng nói, việc đốt rác tại bãi rác khu vực cầu Phú Ninh, xã Thanh Vân thường xuyên diễn ra, gây nên khói, cùng nhiều mùi khó chịu ảnh hưởng rất lớn đến khu dân cư, nguồn nước sông Bến Tre và các trường học cạnh đó. Không những vậy, ngoài rác thải sinh hoạt, còn có cả các loại rác thải công nghiệp cũng được đốt tại đây, việc này đã gây bức xúc cho người dân.
Bãi rác tại khu vực cầu Phú Ninh được UBND xã Thanh Vân xây dựng và giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Vân - đơn vị thu gom, xử lý rác thải của xã vận hành quản lý. Thế nhưng, nói về việc đốt rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân, đơn vị này lại cho rằng không có trách nhiệm về việc này.
Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm cấm hành vi tự ý đốt rác, chất thải ở khu vực dân cư, nơi công cộng. Còn theo Thông tư liên tịch số 01 năm 2001 của liên Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường và Bộ Xây dựng, quy định với bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt phải cách khu dân cư tối thiểu là 1.000m. Tuy nhiên, bãi rác tại xã Thanh Vân chỉ cách khu dân cư và trường học chưa đến 300m, không đảm bảo an toàn cho các hộ dân và trường học.
Thu gom, xử lý rác thải tại các khu vực nông thôn là việc làm cần thiết, tuy nhiên chọn biện pháp xử lý rác thải như thế nào cho phù hợp, nhằm đảm bảo môi trường thì cần được xem xét kỹ lưỡng. Đây là vấn đề đặt ra cho xã Thanh Vân, huyện Tam Dương nói riêng, cũng như các cấp chính quyền địa phương khác trong tỉnh nói chung nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Lưu Trường