Cập nhật: 28/03/2025 20:42:00
Xem cỡ chữ

Dịch sởi tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tại khu vực miền Bắc, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 2.100 ca dương tính với Sởi, trong đó chủ yếu là các ca mắc tản phát, ổ dịch nhỏ lẻ, không ghi nhận các ổ dịch tập trung lớn trong cộng đồng. Tại Vĩnh Phúc cũng ghi nhận số lượng ca mắc gia tăng trong những tháng đầu năm, đặc biệt, số ca mắc sởi chủ yếu là các bệnh nhi chưa được tiêm phòng vắc xin hoặc chưa tiêm đầy đủ các mũi vắcxin phòng sởi.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho gần 40 trẻ mắc sởi, trong đó, nhiều trường hợp mắc sởi nặng biến chứng viêm phổi, có những trường hợp biến chứng suy hô hấp phải thở máy. Điều đáng nói, hầu hết các trẻ dương tính với sởi đều là những trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng Sởi. Nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ho, sốt, cơ thể mệt mỏi, bác sĩ kết luận bệnh nhi bị lây nhiễm sởi đã biến chứng viêm phổi nặng, điều đáng nói bệnh nhi chưa tiêm đủ các mũi vắc xin phòng Sởi theo đúng lịch được khuyến cáo.

Nhìn lại dịch Sởi xảy ra vào năm 2014, một trong những nguyên nhân chính khiến số trẻ tử vong tăng cao là do lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Do đó, bên cạnh công tác thu dung, điều trị, tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh một trong những biện pháp được triển khai để kiểm soát không lây nhiễm chéo là phân luồng bệnh nhân ngay từ khi đến khám.

Cùng với các bệnh viện tuyến tỉnh, ngành Y tế Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chủ động các phương án để ứng phó trước những diễn biến phức tạp của bệnh sởi, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh sởi.

Theo các chuyên gia y tế, Sởi là bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp, 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân Sởi, do đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Sởi trên cả nước, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, ngành Y tế Vĩnh Phúc tập trung tăng miễn dịch cộng đồng. Hơn 12.000 liều vắc xin chứa thành phần Sởi đã được Bộ Y tế phân bổ sẵn sàng triển khai tiêm bổ sung cho các đối tượng trẻ từ đủ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi, nhóm trẻ từ 1 đến 5 tuổi và tiêm bổ sung cho những trẻ từ 6 đến 10 tuổi chưa được tiêm đủ các mũi vắc xin phòng Sởi.

Các bác sĩ khuyến cáo, sởi là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc trị và tiêm chủng vẫn là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất, do đó, người dân cần đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đồng thời chủ động các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ con em mình trước tình hình dịch sởi phức tạp như hiện nay.

Phương Anh