Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai các nội dung, trình tự thực hiện theo các mốc thời gian đảm bảo đúng quy định.
Đến nay, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh và Đề án hợp nhất 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ để thành lập 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ. Theo đó, Vĩnh Phúc sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay để thành lập 36 đơn vị hành chính cấp xã mới với 32 xã và 4 phường, giảm 85 đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ giảm trên 70%.
Cụ thể: huyện Sông Lô có 14 đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp thành 4 đơn vị hành chính cấp xã mới; Huyện Lập Thạch có 19 đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp thành 6 đơn vị hành chính cấp xã mới; huyện Tam Đảo có 9 đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp thành 3 đơn vị hành chính cấp xã mới; huyện Tam Dương có 12 đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp thành 4 đơn vị hành chính cấp xã mới; huyện Vĩnh Tường có 20 đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp thành 6 đơn vị hành chính cấp xã mới; huyện Yên Lạc có 16 đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp thành 5 đơn vị hành chính cấp xã mới; huyện Bình Xuyên có 13 đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp thành 4 đơn vị hành chính cấp xã mới; thành phố Vĩnh Yên có 9 đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp thành 2 phường mới và thành phố Phúc Yên có 9 đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp thành 2 phường mới. Tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất với tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ để thành lập 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ.
Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, các địa phương trong tỉnh đã triển khai lấy ý kiến Nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh Vĩnh Phúc và Đề án hợp nhất 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ để thành lập 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ, bảo đảm công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri, Nhân dân.
Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã là nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa. Đây không chỉ là nhiệm vụ sắp xếp về tổ chức bộ máy, mà còn thực hiện phân cấp, phân công về thẩm quyền, bố trí lại đơn vị hành chính phù hợp, phân bổ nguồn lực, tạo không gian phát triển. Vì vậy, việc lấy ý kiến cử tri nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã được các địa phương thực hiện nghiêm túc.
Để tên gọi của các xã, phường mới gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa của địa phương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan trên địa bàn tỉnh thông tin về việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân đối với tên gọi đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập.
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ngành triển khai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Nhân dân, đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới bảo đảm tính ổn định, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo triển khai phương án đặt lại tên và tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án đổi tên đơn vị hành chính cấp xã từ tên xã gắn với số thứ tự sang tên gắn với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương.
Lưu Trường