Cập nhật: 04/12/2018 15:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Già hóa dân số đang bắt đầu diễn ra ở Việt Nam và Vĩnh Phúc cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Theo thống kê, hiện cả tỉnh có trên 120 nghìn người cao tuổi, chiếm hơn 12% dân số toàn tỉnh. Giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích giờ đây không còn là khẩu hiệu mà là nhu cầu cấp thiết của xã hội. Trong bài viết này, người viết sẽ đề cập đến hiệu quả của mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh triển khai từ năm 2012. Với kết quả bước đầu đáng khích lệ, mô hình này đang từng bước cải thiện cuộc sống và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội.

Vào các buổi sinh hoạt định kỳ, Câu lạc bộ người cao tuổi giúp người cao tuổi xã Yên Dương, huyện Tam Đảo đều tổ chức các tiết mục văn nghệ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng giọng hát của họ vẫn còn khá trong trẻo và đủ sức để lay động lòng người. Những hội viên người cao tuổi trong Câu lạc bộ họ đến đây không chỉ để tìm thấy những giây phút thoải mái về tinh thần với những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, mà họ luôn dành nhiều thời gian để tìm hiểu chia sẻ với nhau những thông tin về những vấn đề có liên quan đến người cao tuổi. Tuy điều kiện kinh tế và hoàn cảnh gia đình không giống nhau nhưng vì cùng là người cao tuổi nên mọi người có thể dễ dàng bộc bạch tâm tư, những điều trăn trở và kể cả những khó khăn trong cuộc sống. Từ đó giúp họ tìm được sự cảm thông, sự thấu hiểu và tiếng nói chung. Chính vì vậy, mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ họ cảm thấy rất vui và khỏe khoắn ra.

Mô hình CLB chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng của tỉnh bắt đầu được triển khai thí điểm vào năm 2012, tại bốn huyện, thành phố, đến nay đã nhân rộng ra 9/9 huyện, thành phố và đã xây dựng được 54 câu lạc bộ ở 54 xã phường, thị trấn với gần 2000 thành viên. Mỗi câu lạc bộ đều có ban chủ nhiệm và được chia thành các tổ gồm: Tổ dưỡng sinh, tổ văn nghệ, tổ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Thông qua các hoạt động của mô hình Người cao tuổi giúp người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn sẽ được chăm sóc tốt hơn.

Cụ Trương Thị Sinh 93 tuổi ở thôn Đồng Thành xã Yên Dương không may bị gãy tay trái. Với người già thì việc thương tật như vậy là vô cùng đau đớn. Thực tế cho thấy, người cao tuổi thường hay nghĩ ngợi và dễ tủi thân, một hành động, một cử chỉ vô tình cũng dễ khiến họ chạnh lòng và mạc cảm. Hiểu được điều ấy các thành viên trong tổ tình nguyện viên NCT giúp NCT của thôn Đồng thành thường xuyên đến chăm sóc động viên những người cao tuổi trong thôn, đặc biệt là những cụ già neo đơn, khó khăn như cụ Sinh. Chính vì vậy, trong những ngày vừa qua, cụ Sinh cảm thấy mình đỡ đau đi phần nào. Những nghĩa cử cao đẹp của các thành viên trong tổ tình nguyện viên NCT giúp người cao tuổi ở thôn Đồng Thành đã làm cho tình làng nghĩa xòm thêm gắn kết và xích lại gần nhau.

Khi xây dựng mô hình CLB chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã đề ra các mục tiêu cụ thể để góp phần nâng cao thể chất, tinh thần, từng bước cải thiện đời sống cho người cao tuổi. Kinh nghiệm từ các xã làm điểm mô hình này cho thấy hoàn toàn có thể dựa vào cộng đồng để làm tốt yêu cầu này. Chính những thành viên của câu lạc bộ NCT giúp NCT đã khởi sướng và duy trì thường xuyên phong trào tập thể dục dưỡng sinh ngay tại thôn xóm của mình. Các thành viên tự hướng dẫn nhau thực hiện các bài tập và điểm tập có thể là sân nhà của thành viên của CLB, có thể là nhà văn hóa thôn. Qua đó đã làm cho sức khỏe cũng như đời sống tinh thần của NCT được cải thiện và nâng cao.

Tam Đảo là một trong những huyện thực hiện khá tốt mô hình chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng. Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 5 mô hình CLB này tại 5 xã. Không chỉ duy trì hoạt động thường xuyên mà các câu lạc bộ này còn thường xuyên đổi mới hình thức hoạt động để thu hút đông hội viên tham gia làm cải thiện từng bước chất lượng cuộc sống của người cao tuổi trên địa bàn huyện.

Để đạt được mục tiêu giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, ngoài việc thành lập mô hình chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng thì chi cục DS- KHHGĐ tỉnh đang phối hợp với Hội NCT tỉnh xây dựng mô hình CLB liên thế hệ. Tham gia vào CLB này, người cao tuổi của tỉnh sẽ hưởng rất nhiều quyền và lợi ích như: được chăm sóc sức khỏe, được hỗ trợ vốn để tăng thu nhập... góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT, gia đình và cộng đồng của họ. Mô hình sẽ tập trung nhiều hơn vào NCT thuộc nhóm nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thông qua cách tiếp cận liên thế hệ và tự giúp nhau dựa vào cộng đồng.

Câu lạc bộ Liên thế hệ thôn Thiếu Khanh, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên được thành lập giữa năm 2018, gồm 56 thành viên là người cao tuổi từ 55 tuổi trở lên. CLB đã có nhiều hoạt động và hình thức sinh hoạt phong phú và đa dạng như: Tập dưỡng sinh để chăm sóc sức khỏe, văn nghệ để nâng cao đời sống tinh thần, tuyên truyền nâng cao kiến thức đời sống xã hội... Mỗi buổi sinh hoạt Câu lạc bộ có chủ đề sinh hoạt riêng, do đó đã tạo không khí hào hứng cho các hội viên mỗi khi tham gia.

Còn với ông Nguyễn Văn Chiến, từ khi tham gia vào câu bộ liên thế hệ của thôn thì quan điểm sống cũng như cách làm kinh tế của ông cũng thay đổi rất nhiều. Không chỉ biết cách giữ gìn, chăm sóc sức khỏe cho bản thân mà ông Chiến còn học được kinh nghiệm về chăn nuôi bò từ những thành viên trong câu lạc bộ để phát triển kinh tế gia đình. Có kiến thức nên việc chăn nuôi bò sinh sản của gia đình ông đã thuận lợi và dễ dàng hơn. Ông Chiến cảm thấy rất phấn khởi và muốn gắn bó với câu lạc bộ.

Hiện người cao tuổi của tỉnh đang chiếm 12% dân số của cả tỉnh, đưa tỉnh bước vào giai đoạn già hóa dân số. Với cơ cấu này việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng. Chính vì vậy việc thành lập các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng hay CLB người cao tuổi giúp người cao tuổi là một trong những giải pháp quan trọng để chăm sóc NCT cả về thể chất và tinh thần.

Mai Hương

Tệp đính kèm