Cập nhật: 14/04/2025 20:50:00
Xem cỡ chữ

Những năm qua, hoạt động khuyến công Vĩnh Phúc đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước đổi mới công nghệ, cải tiến máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất tạo việc làm cho lao động địa phương và đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Từ quan điểm lấy “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, Nhân dân là chủ thể”, bên cạnh việc tiếp tục củng cố, xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Vĩnh Phúc chú trọng tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển ổn định, bền vững.

Theo đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chọn điểm các xã, thôn thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho từng tiêu chí, ưu tiên nguồn lực thực hiện. Trong đó, điển hình là việc tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn. Khai thác lợi thế của mỗi địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.

Thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao, Sở Công thương Vĩnh Phúc đã giao Trung tâm Phát triển công thương Vĩnh Phúc, bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương với khoảng 40 tỷ đồng, để tập trung vào công tác đào tạo nghề, truyền nghề nâng cao, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng chuyển giao công nghệ tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tổ chức và tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Hoạt động khuyến công Vĩnh Phúc đã góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội của tỉnh tháo gỡ các khó khăn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn và góp phần thúc đẩy kinh tế trong tỉnh phát triển.

Việc kịp thời hỗ trợ nguồn vốn khuyến công đã giúp cho các cơ sở sản xuất hộ gia đình, mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, thay cho lối sản xuất thủ công. Điều này mang lại nhiều lợi ích thiết thực như góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm và năng suất lao động. Năm 2023, gia đình anh Trần Văn Cường thôn Bàn Mạch xã Lý Nhân huyện Vĩnh Tường được hỗ trợ trên 100 triệu đồng từ chương trình khuyến công của tỉnh. Từ nguồn vốn này anh đã đầu tư công nghệ hiện đại ống lò nung bằng điện theo tiêu chuẩn thay thế cho nung thủ công trước đây. Qua thời gian sử dụng hệ thống lò nung điện không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất tăng nhiều lần so với trước đây.

Để chương trình khuyến công đi vào chiều sâu mang lại hiệu quả thiết thực thì việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, phối hợp triển khai các hoạt động khuyến công tạo sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh được xem là yếu tố đặc biệt quan trọng. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị địa phương đã giúp cho việc triển khai chính sách khuyến công hiệu quả hơn và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp qua đó tạo việc làm tăng thu nhập thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa công nghiệp nông thôn xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Nhiều năm qua, từ nguồn vốn khuyến công, Trung tâm phát triển công thương Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 31 đề án mua máy móc thiết bị sản xuất với kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 4,8 tỷ đồng, hỗ trợ một đề án nhóm cho bốn cơ sở hộ kinh doanh mua máy móc thiết bị sản xuất với kinh phí hỗ trợ 556 triệu đồng, hỗ trợ 6 đơn vị thuê tư vấn lĩnh vực marketing, quản lý sản xuất tài chính kế toán nhân lực, hỗ trợ đầu tư một phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm gốm Hương Canh. Bên cạnh đó, Trung tâm phát triển công thương cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất sạch hơn. Dù nguồn kinh phí hỗ trợ không nhiều so với tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò là nguồn vốn ban đầu, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc thiết bị công nghệ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Các nội dung của hoạt động khuyến công đã giúp cho các địa phương thuận lợi hơn trong việc định hướng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, đồng thời, đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bám sát cơ sở, địa bàn nắm bắt nhu cầu hỗ trợ để xây dựng kế hoạch khuyến công phù hợp với quy định sát với thực tiễn và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Với nguồn kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng từ ngân sách, ngành Công thương Vĩnh Phúc đang tiếp tục tập trung hướng dẫn, nắm bắt tình hình hoạt động thực tế để triển khai các nội dung hoạt động hỗ trợ thiết thực, trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại và đổi mới năng lực quản lý sản xuất, nhằm nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm, tìm cơ hội thích nghi với điều kiện mới tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, chú trọng phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, động viên khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu tiếp tục nâng cao chất lượng. Khảo sát xây dựng đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ các ngành nghề sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng lợi thế cạnh tranh của từng địa phương tạo nhiều việc làm cho người lao động nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao giá trị xuất khẩu lớn.

Trước những đổi thay tích cực mà chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại cho người dân ở khu vực nông thôn, mỗi địa phương cần xác định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và lâu dài, đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững.

Lê Dũng