Những năm qua các hoạt động khuyến công đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc khuyến khích thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các làng nghề trên địa bàn huyện Yên Lạc phát triển đã tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, không chỉ có những người thợ trung tuổi, cao tuổi, nhiều thanh niên ở làng nghề của huyện Yên Lạc đã phát huy tốt sức trẻ, nối nghiệp cha ông, say nghề, tìm tòi sáng tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, làm lan tỏa sức sống mới cho các làng nghề.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Yên Lạc, trên địa bàn huyện có 8 làng nghề đã được công nhận, gồm: Làng chế biến tơ nhựa Tảo Phú, xã Tam Hồng; Làng mộc truyền thống Lũng Hạ, xã Yên Phương; Làng tái chế nhựa thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng; Làng chế biến bông vải sợi truyền thống thôn Gia, xã Yên Đồng; đặc biệt là các làng nghề mộc truyền thống tại các thôn Vĩnh Đoài, Vĩnh Trung, Vĩnh Đông, Vĩnh Tiến, thị trấn Yên Lạc.
Với 4 thôn được công nhận làng nghề mộc truyền thống, hiện nay thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc đang có khoảng 2.000 hộ làm nghề mộc thường xuyên và hàng chục doanh nghiệp kinh doanh sản xuất gỗ, đồ gỗ với các sản phẩm chính là giường, tủ, bàn ghế, đồ nội thất…, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Để cạnh tranh, phát triển, đứng vững trên thị trường, từ nguồn vốn khuyến công và qua các lớp tập huấn, nhiều hộ làm nghề đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến nhiều thị trường mới.
Đặc biệt một số doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn đã được hỗ trợ về vốn và công nghệ để mở rộng sản xuất. Như doanh nghiệp của ông Ngô Văn Thao, Công ty TNHH DV&TM Trung Hiếu đã được tiếp cận với nguồn vốn hơn 300 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ theo Đề án khuyến công quốc gia thông qua Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh. Doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư thêm vốn để trang bị máy dán cạnh và máy ép nguội phục vụ cho quá trình sản xuất; từng bước thay thế phương thức sản xuất thủ công, lạc hậu sang sử dụng máy thủ công kết hợp thiết bị hiện đại vừa đảm bảo an toàn sản xuất, vừa nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm.
Với mục tiêu duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại khu vực nông thôn, thời gian qua, ngành công thương Vĩnh Phúc đã triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho các làng nghề. Qua đó những làng nghề trên địa bàn tỉnh nói chung cũng như của huyện Yên Lạc nói riêng có điều kiện đổi mới trang thiết bị sản xuất, từ đó duy trì và phát triển nghề truyền thống.
Với 8 làng nghề truyền thống được công nhận, Yên Lạc đang là địa phương có số làng nghề nhiều nhất tỉnh khi chiếm tới 32% tổng số làng nghề và chiếm 42% số làng nghề truyền thống của tỉnh. Các làng nghề phát triển đã tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt những làng nghề truyền thống của Yên Lạc đã bắt kịp với xu hướng hiện đại, sáng tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, làm lan tỏa sức sống mới cho các làng nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả sản xuất, kinh doanh, người dân ở các làng nghề huyện Yên Lạc đang phải đối mặt với không ít khó khăn do thiếu mặt bằng kinh doanh, sản xuất, tình trạng ô nhiễm; trang thiết bị máy móc chưa có sự cải tiến phù hợp với năng lực sản xuất và phần lớn các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm…
Để làng nghề nói riêng, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói chung phát triển thì cần có nhiều hơn nữa các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, Yên Lạc đã hình thành được 9 cụm công nghiệp, trong đó có 4 cụm đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.300 lao động mỗi năm, đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Nhờ duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống, huyện Yên Lạc đã giải quyết tốt bài toán việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, từng bước xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thùy Chung