Cập nhật: 05/12/2018 16:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

2018 là năm thứ ba Vĩnh Phúc bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Với những đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là những tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc tăng tốc, bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và những năm tiếp theo.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình hành động thực hiện nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Lãnh đạo tỉnh luôn bám sát cơ sở, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng; đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề bức xúc xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,06%, vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Đây cũng là năm tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao nhất sau 3 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 13,54%; Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 3,89%; các ngành dịch vụ tăng trưởng 7,36%. Quy mô GRDP của tỉnh đạt hơn 93.000 tỷ đồng, tăng 8.200 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt gần 40 triệu đồng/năm, tăng 7,38% so năm 2017. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế giảm còn 8,17%, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng lên 60,71%. Tỷ trọng dịch vụ giảm còn 31,12%. Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy, giá trị sản xuất tăng 3,89% và cũng là năm có tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp cao nhất trong 3 năm gần đây. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi tăng 5,02%, trồng trọt tăng 2,63% và dịch vụ nông nghiệp tăng 1,02%. Toàn tỉnh có 99/112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 88,4% tổng số xã trong toàn tỉnh.

Năm 2018, sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng 14% so với năm 2017. Các sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh tiếp tục phát triển, thị trường tiêu thụ được mở rộng, trong đó sản phẩm linh kiện điện tử có doanh thu tăng 22,3%. Sản lượng sản xuất ô tô đạt trên 62.000 sản phẩm, tăng 19,8%; sản lượng xe máy sản xuất đạt hơn 2 triệu chiếc, tăng 3,16%. Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng 4,32%, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 12%.

Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh năm 2018 có nhiều khởi sắc. Có 35 dự án DDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 10 dự án DDI được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 4.570 tỷ đồng; 57 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 33 dự án FDI được điều chỉnh tăng vốn, tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký đạt 450 triệu USD. Lũy kế đến hết năm 2018, còn 1037 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực, gồm 715 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 71.000 tỷ đồng và 324 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD. Công tác xúc tiến đầu tư được tăng cường, hướng đến các thị trường tiềm năng truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan, đồng thời đang từng bước hướng tới các thị trường có thế mạnh về vốn và công nghệ như: Australia, New Zealand, Italia, CHLB Đức, Hoa Kỳ.

Về đầu tư hạ tầng, tỉnh tiếp tục hỗ trợ triển khai đầu tư Khu công nghiệp Bá Thiện I, Bá Thiện II. Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB các Khu công nghiệp Chấn Hưng, Tam Dương II Khu B, các dự án phục vụ Khu du lịch Tam Đảo II. Thu hút nhà đầu tư Interflex vào Cụm công nghiệp Đồng Sóc. Triển khai các nội dung vận động, kêu gọi đầu tư các KCN huyện Sông Lô, Lập Thạch, các dự án nhà ở công nhân; đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp nước, hạ tầng cấp điện phục vụ cho thu hút đầu tư của tỉnh. Nhiều công trình trọng điểm như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công. Riêng công trình trọng điểm Chợ Vĩnh Yên đã khánh thành và đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu giao thương của nhân dân và trở thành điểm nhấn của đô thị Vĩnh Yên.

Trong năm 2018, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản và Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long - Vĩnh Phúc tổ chức khánh thành giai đoạn I và đầu tư giai đoạn II KCN Thăng Long Vĩnh Phúc tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên. Đến nay, Khu công nghiệp Thăng Long - Vĩnh Phúc đã có 8 nhà đầu tư từ Nhật Bản và dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút được 80 dự án đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản, tạo việc làm cho khoảng 4 vạn lao động.

Năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và ngành thuế chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành thu ngân sách nhà nước; tích cực đôn đốc, khai thác các nguồn thu trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn thuế, nợ thuế do vậy hầu hết các khoản thu khác đều đạt hoặc vượt dự toán. Ước năm 2018, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 29.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 25,5 nghìn tỷ đồng. Tổng chi ngân sách năm 2018 đạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội trong năm 2018 đạt kết quả tích cực. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn gần 2,5 vạn lao động; trong đó có 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Lần đầu tiên Vĩnh Phúc đăng cai tổ chức thành công vòng chung kết cuộc thi sáng tạo Robocon Việt Nam lần thứ XVII đồng thời phối hợp với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tổ chức giải bóng chuyền hạng A toàn quốc, vòng loại, bảng A tại Vĩnh Phúc; tổ chức thành công lễ khai mạc và thi đấu 14 môn Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ V năm 2018; Liên hoan giai điệu Sơn ca tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ nhất; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc và đón nhận bằng UNESCO công nhận kéo co là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại qua đó quảng bá sâu rộng hình ảnh con người, văn hóa Vĩnh Phúc đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Cũng trong năm 2018, một dấu ấn đối với quá trình phát triển đô thị của Vĩnh Phúc đó là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 484 về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Phúc Yên nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Những kết quả nổi bật trong phát triển KTXH của tỉnh năm 2018 là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục đề ra những giải pháp quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2019 và những năm tiếp theo, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng các cấp.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự chung tay góp sức của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp là những động lực quan trọng để tỉnh ta hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH đã đề ra, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đưa Vĩnh Phúc phát triển và hội nhập./.

Ngọc Anh

Tệp đính kèm