Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế và UBND tỉnh, đến nay, các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang phải thực hiện tự chủ một phần kinh phí trong khám chữa bệnh, trong đó đảm bảo 100% chi thường xuyên gồm lương và các khoản thu nhập tăng thêm. Từ khi phải thực hiện tự chủ về tài chính, các đơn vị này đã chủ động, sáng tạo hơn trong công tác và giảm đầu tư của ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực y tế.
Trước đây, lương và các khoản phụ cấp tăng thêm của bác sĩ Đỗ Văn Tất đều do ngân sách Nhà nước chi trả. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, thì lương và các khoản phụ cấp thu nhập tăng thêm của đội ngũ y, bác sĩ này đều do Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên trực tiếp chi trả trên cơ sở hạch toán thu, chi của đơn vị. Việc tự chủ về tài chính đã và đang làm thay đổi nhận thức sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ đang làm việc tại đây.
Để có thể tự chủ được tài chính, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên chủ động tổ chức sắp xếp lại nhân sự, vị trí việc làm, bố trí công việc khoa học, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài chính, trích lập các quỹ để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhằm thu hút người bệnh.
Sự hài lòng của người dân đã trở thành yếu tố quyết định đối với mỗi cơ sở y tế đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất. Do đó, tự chủ sẽ tạo điều kiện cho cơ sở y tế công lập không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Theo số liệu từ Sở Y tế, đến nay trên địa tỉnh có 13/15 đơn vị trong ngành y tế tự chủ về tài chính, đảm bảo 100% chi thường xuyên bao gồm lương và các khoản thu nhập tăng thêm, trong đó có 4 đơn vị tuyến tỉnh, 9 Trung tâm y tế các huyện, thành phố. Có thể thấy việc tự chủ tài chính là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế, phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân./.
Nguyễn Toàn