Sáng ngày 23/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh có buổi giám sát Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đọan 2015-2019. Đồng chí Trần Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh chủ trì buổi giám sát.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2015-2019 trên địa bàn tỉnh phát hiện 967 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 40 vụ bạo lực trẻ em chiếm 4,1%. Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân, người quen của chính các em. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, đồng thời lồng ghép việc thực hiện phòng chống xâm hại trẻ em với công tác gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 135 mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 707 địa chỉ tin cậy và 229 đường dây nóng nhằm can thiệp hỗ trợ công tác phòng chống bạo lực gia đình. Việc xây dựng các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em được quan tâm đầu tư.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Tiến đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ hơn những khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian quan; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống, xâm hại trẻ em.
*Chiều ngày 23/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV tỉnh tiếp tục chương trình giám sát đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2019. Dự buổi giám sát có đồng chí Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Đồng chí Trần Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh chủ trì buổi giám sát.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2011 đến tháng 6/2019 trên địa bàn tỉnh có 134 vụ xâm hại trẻ em, trong đó riêng giai đoạn 2015-2019 chiếm 78 vụ. Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em chiếm 106/134 vụ, đối tượng chủ yếu là trẻ em nữ và nhiều vụ việc diễn ra với mức độ nghiêm trọng. Trong thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; tăng cường quản lý, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các hoạt động, vui chơi, giải trí cho trẻ em; làm tốt công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại. Tuy nhiên, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội việc ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do nhiều gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ với con cái; sự ảnh hưởng của nhiều nội dung tiêu cực trên mạng xã hội đẩy trẻ em bị nguy cơ xâm hại; công tác phòng, chống xâm hại trẻ em tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Tiến yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc phòng chống xâm hại trẻ em; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể để tham mưu đề xuất với UBND tỉnh bố trí nguồn lực cho công tác phòng chống xâm hại trẻ em./.
Thu Hoài