Cồng chiêng là nhạc cụ đặc trưng của người Thái, người Ơ Đu, người H’Mông... ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) và không thể thiếu trong các ngày hội, lễ, Tết của đồng bào. Để tiếng cồng chiêng luôn được ngân vang khắp bản, khắp mường phải kể đến công gìn giữ của các già làng, những người đam mê, tâm huyết gìn giữ nhạc cụ truyền thống.
Một buổi biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Thái tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Đã nhiều năm nay, mỗi khi rảnh rỗi, cụ Mạc Văn Nguyến, 90 tuổi ở bản Chẵn, xã Thạch Giám lại đưa bộ cồng chiêng của gia đình ra để kiểm tra, lau chùi. Bộ cồng chiêng này được xem là bảo vật gia truyền của gia đình ông Nguyến và lưu giữ đến đời ông là thứ năm. Ông Nguyến cho biết, từ trước đến nay, nhiều người ở trong và ngoài huyện, thậm chí ở các tỉnh như Đắk Lắk, Thanh Hóa, Điện Biên, Hòa Bình tìm đến hỏi mua bộ cồng chiêng này, nhưng ông không bán. Ông Nguyến chia sẻ: “Bố tôi kể lại, bộ cồng chiêng được ông cố tôi đổi bằng bốn con bò, của một gia đình giàu có ở Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Đã rất nhiều người đến hỏi mua nhưng tôi không bán, vì đây là của gia truyền cha ông để lại. Bây giờ đến mùa hội, ngày Tết, tôi lại đem ra đánh cho vui bản, vui mường, cho con trẻ biết được nhạc cụ của dân tộc mình”.
Số người gìn giữ được những bộ cồng chiêng cổ như ông Nguyến còn không nhiều, vì loại nhạc cụ dân tộc này đang bị mai một dần, giới trẻ thì không mấy mặn mà, chỉ còn lưu giữ được trong các gia đình ở một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương. Ông Lo Xuân Tình, người dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My chia sẻ: “Thời mà dân tộc Ơ Đu chúng tôi sống ở bản Com, xã Kim Đa cũ, do di dời tái định cư thủy điện bản Vẽ, đã có người trả cho gia đình chúng tôi 10 chỉ vàng đổi lấy bộ cồng chiêng. Nhưng bố tôi từ chối, vì nó là tài sản vô giá mà tổ tiên để lại. Nó được làm bằng đồng, tiếng rất trong, có độ vọng và vang xa, cho nên đến ngày hôm nay tôi vẫn trân trọng, giữ gìn nó, cho dù gia đình còn nghèo. Dân tộc Ơ Đu chúng tôi còn có 604 người thôi, cho nên chúng tôi xem cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, mất nó coi như là mất đi một cái gì đó rất thiêng liêng về văn hóa”.
Trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền huyện Tương Dương đã đầu tư tôn tạo, lưu giữ cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số mà nòng cốt là những người già, có tâm huyết, đam mê, và am hiểu về cồng chiêng. Đơn cử Câu lạc bộ dân ca, dân vũ bản Phòng, là mô hình gìn giữ bản sắc văn hóa mang tính tập thể và xã hội. Lãnh đạo thôn, xã và các thành viên câu lạc bộ đã thống nhất để các cụ ông, cụ bà có uy tín bảo vệ và sử dụng những bộ cồng chiêng quý của dân tộc. Cụ ông Vang Văn Quế - thành viên Câu lạc bộ dân ca, dân vũ bản Phòng cho biết: “Cồng chiêng là hồn cốt của đồng bào dân tộc vùng cao chúng tôi. Dù đã già, nhưng chúng tôi vẫn là những người vinh dự giữ trọng trách bảo vệ nhạc cụ này cho con cháu biết được truyền thống của dân tộc mình. Nếu những người như chúng tôi không gìn giữ và trao truyền về cách sử dụng thì con cháu sẽ quên nhạc cụ truyền thống của cha ông để lại”.
Tương Dương là huyện vùng cao biên giới, nằm ở phía tây nam của tỉnh Nghệ An, nơi có sáu dân tộc anh em chung sống là: Thái, H’Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Tày Pọng và Kinh. Trong số đó, người Thái, Khơ Mú, Ơ Đu, H’Mông đều có văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến cồng chiêng. Chính vì vậy, cồng chiêng luôn là nhạc cụ được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành những bảo vật không chỉ của gia đình, dòng họ mà cả bản, cả làng. Tính đến nay, toàn huyện có hơn 40 bộ cồng chiêng đang được lưu giữ ở các bản, làng. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tương Dương Lô Thanh Long cho biết: “Là một huyện đa dân tộc, cho nên Tương Dương khá đa dạng về bản sắc văn hóa và có nhiều nét độc đáo, nhất là về văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nếu như dân tộc H’Mông dùng chiêng trong lễ cúng, thì người Thái, người Khơ Mú, người Ơ Đu dùng cồng chiêng trong ngày hội, ngày Tết. Họ rất có ý thức bảo vệ và cồng chiêng thường được giao cho các già làng, người có uy tín, tâm huyết gìn giữ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất cho biết: “Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc trên địa bàn, chúng tôi đã đưa vào nghị quyết của HĐND các cấp là mỗi bản làng văn hóa phải có ít nhất một bộ cồng chiêng và đó cũng là tiêu chí chấm điểm, đánh giá các bản làng văn hóa trên địa bàn. Rồi thông qua nhiều tổ chức, đoàn thể như phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, chúng tôi đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ quần chúng để bảo vệ và thực hành các loại hình diễn xướng, trong đó có cồng chiêng của các dân tộc. Hằng năm, huyện thường bổ sung kinh phí cho mỗi xã hơn 10 triệu đồng để mua cồng chiêng cho các bản, làng (nếu chưa có), hoặc trao thưởng bộ cồng chiêng cho những bản văn hóa tiêu biểu trong năm của các xã. Từ năm 2020 và những năm tiếp theo, huyện sẽ tập trung bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng gắn với đề án du lịch sinh thái cộng đồng mà huyện Tương Dương đang triển khai thực hiện”.
Những ngày này ở Tương Dương, bên cạnh công việc tất bật ngày cuối năm, áp Tết Nguyên đán, các cụ ông, cụ bà lại chăm chút cồng chiêng, hướng dẫn tập luyện cho lớp con cháu để chuẩn bị cho những ngày vui của bản, làng. Và khi xuân về, hội đến, tiếng cồng chiêng lại vang ngân khắp bản, khắp mường.
Theo ĐÌNH TỶ/nhandan.com.vn