Sau khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh còn 1.236 thôn, tổ dân phố, giảm 143 thôn, tổ dân phố. Điều đáng phấn khởi là việc sáp nhập thôn, tổ dân phố đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố lại nảy sinh những khó khăn, bất cập, nhất là việc quản lý, sử dụng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.
Những ngày giáp Tết Nguyên Đán Canh Tý, ông Trần Bá Nghĩa, Trưởng thôn Hoàng Xá, xã Vĩnh Thịnh huyện Vĩnh Tường lo lắng, không biết việc tổ chức buổi sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân trong thôn dịp Tết này ở đâu cho phù hợp bởi sau khi sáp nhập ba thôn Hoàng Xá Đông, Hoàng Xá Đình, Hoàng Xá Ngược thành thôn Hoàng Xá thì số lượng nhân khẩu tăng lên gấp đôi. Theo ông Nghĩa hiện nay, thôn Hoàng Xá rơi vào tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhà văn hóa, thừa là 3 thôn sáp nhập sẽ có 3 nhà văn hóa trước kia của mỗi thôn để lại, nhưng lại thiếu một nhà văn hóa đủ không gian để làm nơi sinh hoạt cộng đồng chung.
Theo lãnh đạo xã Vĩnh Thịnh, hầu hết các nhà văn hóa đều xây dựng trước khi thực hiện sáp nhập thôn. Các nhà văn hóa xây dựng cũ có diện tích nhỏ, hội trường, ghế ngồi chỉ phù hợp với thôn có dân số ít. Sau sáp nhập số nhân khẩu tăng lên, không đủ chỗ cho nhân dân hội họp.
Vừa thừa, vừa thiếu nhà văn hóa cũng là thực trạng tại thị trấn Lập Thạch, huyện Lập sau khi sáp nhập tổ dân phố.
Quản lý và sử dụng nhà văn hóa như thế nào cho phù hợp, bố trí địa điểm sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân ở đâu cho hợp lý là bài toán các cấp, các ngành cần có giài pháp giải quyết hiệu quả để không lãng phí nhà văn hóa sau khi sáp nhập và vừa đảm bảo một không gian đủ điều kiện phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân./.
Văn Hải