Ba tuần nghỉ đã trôi qua, còn 1 tuần nữa trong kế hoạch của hầu hết các tỉnh thành cho học sinh nghỉ phòng tránh dịch Covid-19. Con bạn đã học thế nào và tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi ấy làm gì?
Tôi chỉ mong chúng ta không gò ép trẻ vào lối học đối phó lẫn nhau.
Ngoài các địa phương có điều kiện khá tốt về cơ sở vật chất đã và đang tổ chức dạy học trực tuyến khá hiệu quả thì hầu hết các trường học hiện nay vẫn đang duy trì sự kết nối với học sinh bằng cách chuyển giao bài tập ôn luyện để các em làm ở nhà. Thú thật, cách làm này không phát huy hiệu quả như mong muốn và tôi có cảm giác chúng ta vẫn đang đối phó nhau vì dư luận, vì nỗi lo học sinh quên bài, lười học.
Khi kỳ nghỉ vì dịch Covid-19 của học sinh bắt đầu, phụ huynh quýnh quáng tìm người trông giữ trẻ và xôn xao lo lắng con trẻ xa rời việc học mà sa đà vào các trò chơi trực tuyến, ti vi, điện thoại. Vậy nên, nơi nơi kiến nghị thầy cô phải “dạy gì đó cho con tôi đi chứ”. Và ngay sau đó là nhiều trường học yêu cầu giáo viên soạn bộ đề ôn tập để các em ôn luyện.
Trường tôi thực hiện yêu cầu ra đề đối với các môn học từ ngày 10/2 và đăng tải lên trang web chính thức của nhà trường. Sau đó đúng một tuần, khi kiểm tra lượt xem và tải bài của học sinh, tôi nhận thấy những con số cập nhật bài tập chỉ dừng ở mức khiêm tốn: 50, 60, 70 lượt.
Với số lượng gần hai trăm học sinh mỗi khối lớp, con số vào xem bài ấy phản ánh phần nào thực trạng học sinh lơ là việc học dù giáo viên đã nhắc nhở thông qua tin nhắn và các trang mạng xã hội. Và chúng ta chỉ mới đề cập đến việc xem bộ đề chứ hoàn toàn chưa thể giám sát việc các em thực hành giải đề, làm bài, ôn luyện đạt hiệu quả bao nhiêu.
Riêng các cháu tiểu học ở trường con gái tôi, đến ngày 19/2 mới nhận được thông báo là phụ huynh đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm nhận bài. Và sau khi nhận mấy tờ A4 bài tập, tôi kiểm tra và thấy có 29 câu hỏi môn Tiếng Việt cùng 2 đề bài môn Toán.
Ngay khi về nhà, cháu lo lắng và tập trung làm bài khoảng 3 buổi là xong. Sau đó là mọi thứ lại đâu vào đấy, thời gian học, nội dung học, phương pháp học trong kỳ nghỉ dài lại do phụ huynh tự chủ động. Tất nhiên không phải tất cả bọn trẻ đều chủ động làm bài, nghiêm túc thực hiện yêu cầu của giáo viên, bởi lúc này các con dần hiểu ra đây là dạng bài tập có thể không làm hoặc làm một cách sơ sài.
Rõ ràng là mọi thứ dường như vẫn đang đối phó, chắp vá tạm thời. Hiệu quả của những bài tập ôn luyện mà giáo viên yêu cầu học sinh thực hiện vẫn đang dừng lại ở mức độ tương đối. Khi mà không gian lớp học bị thay thế bằng không gian sinh hoạt của gia đình với nhiều cám dỗ từ các trò chơi và thiết bị điện tử, chỉ cần phụ huynh lơ là và lơi lỏng quản lý con thôi là y như rằng bọn trẻ sẽ ngoành mặt làm ngơ lời nhắc nhở làm bài tập ôn luyện từ giáo viên.
Và không ít phụ huynh hiện nay cũng mang tâm lý cho con nghỉ ngơi thoái mái, xả láng nên du di trước lời năn nỉ “cho con chơi tí” hoặc xuề xòa cho qua khi con báo chưa làm xong bài tập. Vậy nên, điều quan trọng nhất trong kỳ nghỉ dài này chính là tăng cường sự kết nối thật sự hiệu quả, hữu ích giữa nhà trường và gia đình.
Điều này cần sự chỉn chu của giáo viên trong việc biên soạn các dạng đề ôn tập, sự quan tâm nhắc nhở việc học của con trẻ từ phụ huynh ở nhà và cả thái độ nghiêm túc, tích cực ôn luyện của học sinh.
Kỳ nghỉ khá dài, dù chia nhỏ cho bao nhiêu hoạt động và kế hoạch đi nữa cũng mong phụ huynh dành riêng một góc nhỏ cho việc học để tránh việc con trẻ quên bẵng kiến thức, uể oải khi trở lại trường!
Theo Nguyễn Thùy/dantri.com.vn