Phát ban là tình trạng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và có thể khiến ba mẹ trẻ lo lắng. Mặc dù hầu hết phát ban là thoáng qua và lành tính nhưng một số trường hợp có thể cần được bác sĩ thăm khám. Bài viết dưới đây về phát ban ở trẻ sơ sinh có thể sẽ giúp ba mẹ hiểu thêm về các loại phát ban ở trẻ, so sánh với hình ảnh và mô tả kèm theo, để biết với loại phát ban nào, trẻ có thể theo dõi thêm tại nhà, loại phát ban nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Hiện tượng mạch máu thoáng qua
Những hiện tượng mạch máu thoáng qua: da nổi vân, biến đổi da kiểu Harlequin thường là sinh lý bình thường của trẻ sơ sinh. Da nổi vân là tình trạng da nổi các vệt dạng lưới ở thân mình và chân tay đối xứng 2 bên cơ thể. Nguyên nhân thường là do phản ứng của mạch máu khi cơ thể trẻ bị lạnh và thường biến mất khi da được ủ ấm. Da nổi vân thường có xu hướng kéo dài vài tuần đến vài tháng, bệnh thường tự khỏi mà không cần điều trị.
Hiện tượng da nổi vân ở trẻ sơ sinh.
Biến đổi da kiểu Harlequin xảy ra khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng một bên, nửa bên dưới màu đỏ trong khi nửa bên trên có màu trắng. Biến đổi này xuất hiện đột ngột và kéo dài trong khoảng 30 giây đến 20 phút và sẽ hết khi trẻ hoạt động hoặc quấy khóc. Hiện tượng này thường xảy ra nhất trong 2-5 ngày đầu đời và có thể kéo dài đến 3 tuần tuổi. Biến đổi da kiểu Harlequin được cho là do trung tâm tâm dưới đồi của trẻ sơ sinh (vùng điều khiển sự giãn nở các mạch máu ngoại biên) chưa trưởng thành.
Ban đỏ nhiễm độc
Ban đỏ nhiễm độc là phát ban mụn mủ phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Tỷ lệ mắc bệnh ước tính từ 40-70%, thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh đủ tháng có cân nặng lớn hơn 2500g. Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh có thể thấy ngay sau sinh nhưng thường xuất hiện hơn trong 2-3 ngày đầu đời. Các tổn thương điển hình bao gồm các đốm, chấm đỏ, kích thước 2-3mm tiến triển dần dần thành các mụn mủ. Mỗi mụn mủ được bao quanh bởi một vùng các chấm ban đỏ, trông giống như “vết bọ chét cắn”. Các tổn thương thường xuất hiện trên mặt, thân mình và các gốc chi, không thấy ở lòng bàn tay, bàn chân. Tên là ban đỏ “nhiễm độc” nhưng các tổn thương này là lành tính và thường biến mất sau hơn 5-7 ngày nhưng có thể tái phát trong vài tuần. Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ không cần điều trị gì và không liên quan đến bất kỳ các bệnh toàn thân nào khác.
Mụn trứng cá sơ sinh
Mụn trứng cá xảy ra ở 20% trẻ sơ sinh, thường tập trung ở trán, mũi, cằm và có thể ở một số vị trí khác. Mụn trứng cá vỡ ra sẽ tiết ra mủ và dịch viêm. Tình trạng này được cho là hậu quả của sự kích thích tuyến bã nhờn do hormone androgens từ mẹ hoặc trẻ sơ sinh. Các tổn thương thường tự hết trong vòng 4 tháng mà không để lại sẹo.
Mụn trứng cá của trẻ sơ sinh.
Mụn hạt kê
Mụn hạt kê là các sẩn màu trắng ngà hoặc vàng, kích thước 1-2mm do sự ứ đọng keratin trong lớp hạ bì. Nó xảy ra ở khoảng 50% trẻ sơ sinh. Mụn hạt kê thường xuất hiện nhất ở trán, cằm, mũi và má nhưng cũng có thể có ở nửa người trên, chân tay, dương vật hoặc niêm mạc. Các mụn này thường tự hết trong 1 tháng đầu đời, một số trường hợp có thể kéo dài đến 2 hoặc 3 tháng. Đây là mối lo lắng thường gặp của ba mẹ nhưng hãy yên tâm vì mụn lành tính và sẽ tự biến mất mà không cần phải điều trị gì.
Hình ảnh mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh.
Rôm sẩy
Rôm sẩy là hậu quả của việc mồ hôi bị giữ lại, không thoát ra ngoài được do tắc một phần tuyến mồ hôi. Cả mụn hạt kê và rôm sẩy đều do cấu trúc da còn non nớt của trẻ sơ sinh nhưng có thể phân biệt nhờ hình thái tổn thương trên lâm sàng. Rôm sẩy ảnh hưởng đến 40% trẻ sơ sinh và thường xuất hiện trong 1 tháng đầu đời. Có một số loại rôm sẩy ở lứa tuổi này, phổ biến nhất là rôm sẩy kết tinh và rôm đỏ
Rôm sẩy kết tinh gây ra bởi sự tắc nghẽn tuyến mồ hôi trên bề mặt. Nó bao gồm các mụn mủ có kích thước 1-2mm không có ban đỏ xung quanh, thường gặp nhất ở đầu, cổ và thân mình. Mỗi mụn nước tiến triển sẽ vỡ ra sau đó bong vảy và có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày.
Rôm sẩy kết tinh hay rôm đỏ đều là lành tính. Để phòng tránh và xử trí các tình trạng này, ba mẹ cần không để trẻ quá nóng, cởi bỏ bớt quần áo, tắm nước mát và bật điều hoà nhiệt độ cho bé.
Nên điều trị thế nào cho bé?
Ba mẹ có thể yên tâm phần nào vì hầu hết phát ban ở trẻ sơ sinh là lành tính và thường tự hết. Tuy nhiên, một vài trường hợp phát ban kèm theo các triệu chứng sau có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng ở trẻ cần được bác sĩ thăm khám:
- Các bọng nước chứa dịch vàng đục có thể chỉ ra một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như ban nhiễm khuẩn hoặc Herpes
- Các ban xuất huyết (không mất đi khi căng da) có thể do virus hoặc các nhiễm khuẩn tiềm ẩn. Bất kỳ trẻ sơ sinh nào có ban xuất huyết đều cần được bác sĩ thăm khám ngay lập tức
- Phát ban kèm theo các triệu chứng như sốt, kích thích, quấy khóc, cổ cứng, … có thể là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm màng não, … cần phát hiện và xử trí kịp thời.
Trong những ngày dịch bệnh do COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chắc hẳn ba mẹ rất ngại đưa trẻ đến nơi đông người như bệnh viện. Hy vọng với bài viết này, dựa vào các mô tả và hình ảnh minh hoạ, ba mẹ sẽ biết với loại ban nào, cần phải đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức, loại ban nào có thể yên tâm theo dõi bé tại nhà.
Theo suckhoedoisong.vn