Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tại các làng nghề truyền thống được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế hiện nay, các hộ kinh doanh cá thể tại các làng nghề lại khá lơ là về công tác phòng cháy chữa cháy; việc triển khai phòng cháy chữa cháy tại cơ sở còn bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên hiện có gần 2000 hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mộc truyền thống. Các hộ dân sản xuất chủ yếu nằm xen kẽ trong các khu dân cư; thiếu các thiết bị, dụng cụ cho công tác phòng cháy chữa cháy. Trong khi chế biến gỗ, lượng mùn cưa, vỏ bào, vụn gỗ được tích tụ lâu ngày khi gặp lửa khả năng hấp thụ nhiệt, bắt cháy nhanh. Ngoài sử dụng sơn, các hộ làm nghề mộc còn sử dụng vecni tạo màu cho sản phẩm kết hợp với các dung môi dễ gây cháy nổ như xăng, cồn để pha chế. Các hộ sản xuất nằm liền kề nhau, vì vậy, khi có hỏa hoạn xảy ra ngọn lửa cháy lan rất nhanh. Nguy cơ cháy nổ luôn rình rập, nhưng nhận thức về công tác phòng cháy chữa cháy chưa đầy đủ, nhiều hộ gia đình sản xuất ở các làng nghề còn thờ ơ với “giặc lửa”.
Có mặt tại hộ sản xuất của gia đình ông Nguyễn Công Đồng - tổ dân phố Yên Thần, thị trấn Thanh Lãng, mặc dù ngổn ngang các vật liệu dễ cháy như gỗ, sơn, vecni phục vụ cho công tác sản xuất, nhưng hộ gia đình ông Đồng lại không trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy. Lý do được ông Đồng đưa ra là gia đình "tự phòng" là chính.
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Văn Thực, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Lãng cho biết: “Qua nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương, hiện nay, ý thức của người dân về PCCC chưa tốt, còn chủ quan, lơ là. Người dân còn nặng tư tưởng về việc công tác PCCC là của chính quyền và lực lượng chức năng. Hiện nay, chưa có chế tài xử phạt đối với hộ kinh doanh cá thể không trang bị các thiết bị PCCC nên chính quyền và cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động".
Sản xuất đồ mộc tại thị trấn Thanh Lãng bị bó hẹp bởi các kho xưởng manh mún, lộn xộn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn PCCC.
Theo lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết, đa phần các hộ sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, nên không có hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC. Do vậy, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong công tác PCCC tại làng nghề còn nhiều bất cập.Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Sáng – Phó trưởng Công an huyện Vĩnh Tường cho biết: "Trong thời gian vừa qua, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy huyện đã mở nhiều lớp tuyên truyền phổ biến kiến thức về công tác phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên ý thức tham gia không cao. Chỉ có vài hộ chủ chốt tham gia, còn lại vịn nhiều lý do, các hộ trong làng nghề đã không tham gia các lớp này. Việc tuyên truyền như vậy có ý nghĩa rất thiết thực, giúp bà con biết được cách phòng cháy chữa cháy ban đầu tuy nhiên bà con không tham gia".
Có thể thấy rằng, nguy cơ cháy nổ ở các làng nghề rất lớn, để tăng cường công tác PCCC ở các làng nghề, không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương mà còn phải thay đổi nhận thức, hành động, đặc biệt là ý thức chủ động của người dân trong công tác PCCC./.
Tạ Hương