Cập nhật: 07/06/2020 17:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, sẽ là tiền đề để những năm tiếp theo thực hiện ổn định, an toàn kỳ thi, chỉ bổ sung công nghệ để làm kỳ thi nhẹ nhàng hơn.

Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 5/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng BộGD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trước khi hoàn thành cấp THPT, học sinh được trải qua kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng, để kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của các em so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT). Căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh.

“Như vậy, việc tổ chức kỳ thi không chỉ đơn thuần là để công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Kỳ thi do đó phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Theo lộ trình đổi mới thi đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nêu rõ, phải đổi mới kỳ thi và ổn định. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện từ năm 2015 và từng năm đều có điều chỉnh bổ sung hoàn thiện và đến 2019 về cơ bản đã giữ ổn định. Năm 2020 kỳ thi về cơ bản giữ ổn định. Từ năm 2021-2025, kỳ thi có thể đổi mới thêm là thi trên máy tính ở nơi có điều kiện, còn lại cơ bản vẫn ổn định.

Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 được xây dựng dựa trên nhiều căn cứ. Trước hết là để phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019; thứ hai là để phù hợp với thực tế dạy - học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Với ngành giáo dục, cụ thể là Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo việc điều chỉnh chương trình cho phù hợp, điều chỉnh kết hoạch năm học với thời gian kết thúc là 15/7, thi tốt nghiệp THPT vào ngày 9-10/8. Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở GD&ĐT thực hiện việc tinh giản chương trình, tổ chức dạy và học trực tuyến qua internet, trên truyền hình.

Học sinh và giáo viên đã rất nỗ lực thích ứng với điều kiện một mặt phải bảo đảm an toàn, một mặt vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động dạy học theo phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Vừa qua, học sinh đã quay trở lại trường sau thời gian giãn cách. Một số địa phương đã tổ chức khảo sát chất lượng dạy học trong thời gian dịch và hầu hết các địa phương đã tổ chức ôn tập kiến thức đã dạy trực tuyến cho học sinh. Về cơ bản học sinh đã nắm được kiến thức cốt lõi, đây cũng là tín hiệu tốt, tuy nhiên cần tiếp tục khắc phục hoàn thiện để củng cố cho thời gian tiếp theo.

Với lớp 12, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, Bộ đã chỉ đạo ban hành đề thi tham khảo, theo chương trình đã tinh giản và trong bối cảnh dịch bệnh, điều chỉnh kỳ thi với mục đích nêu trên. Những vấn đề này đã được học sinh, giáo viên đón nhận. Đề thi tham khảo được đánh giá là phù hợp, việc tổ chức dạy học, ôn tập rất tích cực. Như vậy chất lượng dạy học cho đến thời điểm này cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chương trình.

Căn cứ Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, kỳ thi sẽ được giao về cho địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi để hiểu rõ nhiệm vụ của các bên liên quan để thực hiện thống nhất, nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra đúng mục tiêu, an toàn, chất lượng, chính xác, khách quan.

“Kỳ thi năm nay giao cho địa phương nhưng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT vẫn rất lớn. Đó là chỉ đạo chỉ đạo tổ chức Kỳ thi; xây dựng Quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ Công an, Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ… Bởi vậy, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải có lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện của các ban, ngành liên quan. “Việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan là nhiệm vụ rất quan trọng. Tôi đề nghị các cấp uỷ chính quyền địa phương có chỉ đạo, quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung cụ thể trongthực hiện tổ chức kỳ thi này. Địa phương cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi, để chuẩn bị chu đáo các khâu, tránh tiềm ẩn các rủi ro”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị.

“Năm nay chúng ta làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, sẽ là tiền đề để những năm tiếp theo thực hiện ổn định, an toàn kỳ thi, chỉ bổ sung công nghệ để làm kỳ thi nhẹ nhàng hơn.

Kỳ thi năm 2020 với mục đích chính là để xét tốt nghiệp THPT nhưng thực tế rất nhiều trường đại học sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Tôi đã họp trực tuyến với nhiều lãnh đạo trường đại học, cao đẳng và quán triệt các trường phải có trách nhiệm trong kỳ thi này. Do đó, dù năm nay các trường không tổ chức đưa cán bộ, giảng viên đại học đi coi thi, chấm thi như mọi năm, nhưng sẽ tăng cường tham gia vào thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Chất lượng thanh tra quan trọng. Do đó, đội ngũ tham gia không chỉ cần đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải có đạo đức chính trị tốt, trách nhiệm. Đội ngũ này sẽ được tuyển chọn kỹ lưỡng và tập huấn bài bản” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu.

Việc thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ có sự tham gia của 3 cấp thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra tỉnh, thanh tra Sở GDĐT. Lực lượng này, sẽ “phủ kín” hoạt động thanh - kiểm tra tại các điểm thi và thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp, bảo đảm hiệu quả. Kỳ thi có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ. Trong cuộc họp với Bộ GD&ĐT ngày 27/5 vừa qua, đại diện Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an thống nhất ý kiến, sẽ tích cực phối hợp với ngành giáo dục trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho kỳ thi. 

Theo Nhật Nam/chinhphu.vn

Tệp đính kèm