Cập nhật: 09/06/2020 18:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; ngay từ đầu năm 2020 đã diễn ra hiện tượng mưa đá, mưa to kéo dài trong nhiều ngày tại các tỉnh phía bắc, trong đó có khu vực Vĩnh Phúc, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của Nhân dân. Để chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão năm 2020, Ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, phương án với phương châm chủ động phòng tránh, chủ động đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.

Trận mưa dông bất ngờ xảy ra vào tối ngày 8/5 vừa qua đã để lại nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân. Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh có khoảng trên gần 600ha lúa, gần 300 hoa màu và nhiều tài sản khác  của người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Điều đáng nói, đây là trận mưa dông hoàn toàn bất ngờ, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh khiến người dân không kịp trở tay. Ngay sau khi sự việc xả ra, các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương cùng Nhân dân chung tay khắc phục hậu quả.

Trận mưa dông kèm theo gió mạnh xảy ra không theo quy luật tự nhiên, ngay thời điểm đầu mùa mưa bão cho thấy yếu tố khó lường của thiên tai, bão lũ. Điều này, nhắc nhở chúng ta cần chú trọng hơn nữa công tác phòng, chống thiên tai, xây dựng lực lượng xung kích ngay từ cơ sở để tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động phòng chống, ứng phó và xử lý nhanh khi sự việc xảy ra.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo là đơn vị quản lý khá nhiều hồ đập lớn của tỉnh, trong đó tiêu biểu là hồ Xạ Hương và hồ Thanh Lanh. Cùng với việc nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình hồ đập, Công ty đã phân công cán bộ thường trực 24/24 giờ, xây dựng phương án phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn cho từng công trình thủy lợi đối với các tình huống cụ thể.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 440 hồ, đập lớn nhỏ, các công trình này đều do các Công ty TNHH MTV Thủy lợi quản lý, trong đó có 10 hồ lớn dung tích trên 2 triệu m3, 01 đập dâng có quy mô lớn còn lại là các hồ đập nhỏ nằm rải rác trên địa bàn các huyện trung du miền núi. Các hồ này ngoài nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đời sống dân sinh kinh tế của người dân trong vùng, còn có nhiệm vụ cắt lũ, giảm úng cục bộ cho vùng hạ lưu, góp phần cải thiện môi sinh, môi trường trên địa bàn.

Là tỉnh có nhiều hệ thống sông, suối và đặc biệt là nhiều hồ đập, vì vậy khi mùa mưa bão đến sẽ có thể xảy ra ngập lụt, lũ ống. Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Vĩnh Phúc đã xây dựng phương án, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các địa phương tổ chức phương tiện, con người thường xuyên trực tại các điểm xung yếu, các khu vực có thể xảy ra sạt lở đất, hoặc ngập úng. Hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai, nhất là các hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ.

Trước diễn biến thiên tai ngày càng khó lường, ngoài việc chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống của chính quyền và các cơ quan chuyên môn trong công tác phòng chống lụt, bão, mỗi người dân cần cập nhật kịp thời tình hình thời tiết và diễn biến thiên tai gây nên, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi mưa bão xảy ra./.

Đặng Thưởng

Tệp đính kèm