Ngay sau cuộc khảo sát kích cầu du lịch vòng cung Đông Bắc, từ ngày 12-16.6, Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam tiếp tục tổ chức khảo sát vùng Tây Bắc với sự tham gia của HH Lữ hành Việt Nam, HHDL TP.HCM, HHDL Đà Nẵng; Sở VHTTDL, HHDL tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, khoảng 100 doanh nghiệp du lịch đến từ các địa phương trên cả nước nhằm xây dựng và phát triển sản phẩm mới, kích cầu du lịch vùng này.
Khách du lịch khám phá đỉnh Fansipan
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HHDL Việt Nam cho biết: “Hiện nay, ngành Du lịch đang bước vào giai đoạn hồi phục, tuy nhiên, sau một thời gian dài “ngủ đông” và hứng chịu thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, du lịch đã có rất nhiều thay đổi. Trong đó, rõ nét nhất là xu hướng của khách du lịch chuyển từ đi theo tour trọn gói sang mua combo (vé máy bay/tàu/xe và phòng khách sạn); khách tự đi, theo nhóm nhỏ thay vì đi đoàn đông như trước đây; khách đặt mua dịch vụ online chứ không đến công ty/ văn phòng du lịch mua; khách chủ yếu chọn nghỉ dưỡng biển/núi, du lịch sinh thái… Từ đó đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cũng phải có những thay đổi về sản phẩm và đảm bảo an toàn phòng chống dịch để phù hợp với nhu cầu của khách”.
Ở khu vực Tây Bắc, mặc dù có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, cộng đồng, nghỉ dưỡng núi… nhưng lâu nay, kể cả khi chưa có dịch Covid-19, du lịch trong vùng vẫn chưa thực sự phát triển. Trong khi đó, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét đặc trưng về khí hậu, ẩm thực độc đáo và sự phong phú về văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong vùng là lợi thế của vùng Tây Bắc mà vùng khác không có được. Tuy nhiên, bất cập khi phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc là cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu kém; thiếu cơ sở vật chất chuyên ngành phục vụ du lịch như cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, mua sắm; nguồn nhân lực du lịch còn yếu, phần lớn chưa qua đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ; sản phẩm du lịch na ná nhau, thiếu tính sáng tạo; sự liên kết giữa các tỉnh đã có nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả…
Qua đợt khảo sát này, dưới con mắt của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch- những người trực tiếp đưa khách đến, khai thác tour, tuyến, sản phẩm du lịch trong vùng, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai mong muốn được nghe các góp ý, đề xuất để trước mắt kích cầu du lịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm sống dậy ngành Du lịch trong vùng sau đại dịch Covid-19. Về lâu dài có các chính sách đầu tư phát triển du lịch phù hợp; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của khu vực; mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, tour, tuyến; phát huy tính liên kết vùng để tạo chuỗi sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao...
Theo bà Cao Thị Ngọc Lan: “Mục tiêu của chiến dịch khảo sát, kích cầu du lịch tại các vùng miền trên cả nước nhằm thúc đẩy nhanh việc khôi phục du lịch sau đại dịch; truyền thông tích cực về các điểm đến du lịch an toàn, phá bỏ tâm lý bất an của khách du lịch; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trở lại với công việc kinh doanh, hạn chế tối đa việc chuyển đổi ngành nghề, thất thoát nhân lực lao động du lịch; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, thế mạnh của từng địa phương; khuyến khích người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Theo THÚY HÀ/baovanhoa.vn