Ngày nay, internet đã có mặt ở khắp các công sở, nhà hàng, từng gia đình. Ở bất cứ đâu, không khó để bắt gặp hình ảnh một cô bé hoặc cậu bé ngồi chăm chú cầm chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng để chơi, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh.
Không thể phủ nhận những ích lợi to lớn mà Internet và mạng xã hội đã mang đến cho con người. Chúng làm cuộc sống của con người hiện đại hơn, phát triển hơn, thông minh hơn và đây cũng là kho cung cấp tri thức của nhân loại. Internet mang lại nhiều lợi ích đối với việc học tập, vui chơi, giải trí của trẻ em. Tuy nhiên, internet cũng chứa đựng những mặt hạn chế, gây ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý, sức khỏe, học tập của trẻ. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ người lớn, trẻ có thể tiếp cận và bắt chước những nội dung mang tính kích động bạo lực, khiêu dâm thông qua phim, ảnh, trò chơi điện tử.
Phải thừa nhận rằng, thiết bị cầm tay là một sản phẩm công nghệ tiên tiến giúp trẻ tiếp cận kiến thức nhanh, thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh, thu hút sự chú ý và tương tác với tài liệu học tập nhiều hơn. Tuy nhiên nếu để trẻ sử dụng các thiết bị thông minh quá sớm là điều nên xem xét thật kỹ càng. Bên cạnh đó, thiếu niên và trẻ em là giai đoạn tuổi mà sự phát triển về cả sinh lý, tâm lý có nhiều những biến động và thiếu tính ổn định. Chính vì thế mà mọi tác động từ bên ngoài dù nhỏ cũng rất có khả năng ảnh hưởng lớn đến các em, trong đó có những ảnh hưởng về mặt sức khỏe.
Thách thức đặt ra với các bậc cha mẹ là cho trẻ sử dụng các thiết bị thông minh sớm liệu có giúp chúng thông minh hơn hay vô hình dung gián tiếp mang hiểm nguy từ internet cho trẻ và đây có phải là hệ lụy khi để trẻ tiếp cận với Internet tùy tiện, vượt kiểm soát. Do đó, trước khi quyết định cho các trẻ sử dụng mạng internet, các bậc phụ huynh phải có những công cụ quản lý thời gian của trẻ đảm bảo sức khoẻ của trẻ tốt nhất, tránh gây ảnh hưởng đến cơ thể, đặc biệt là mắt và tâm lý của trẻ.
Trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào thời đại công nghệ số, do đó đòi hỏi phải chung tay xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, an toàn cho người dân nói chung và trẻ em nói riêng. Theo đó, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em cần có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Để những câu chuyện "ảo" không bị đẩy đi quá xa trên mạng xã hội, để không vì những thông tin bị ô nhiễm trên mạng xã hội có thể gây nên những tai hoạ và "tai nạn thật " cho trẻ em. Đã đến lúc việc giáo dục, phổ cập kỹ năng thăm gia mạng xã hội phải được đặt ra một cách bài bản và chính thống cho tất cả các em trong thời đại công nghệ số bùng nổ như hiện nay./.
Thu Thủy