Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề. Bên cạnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, các cơ sở dạy nghề đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề. Qua đó, chất lượng nguồn nhân lực ngày một nâng cao, phục vụ tốt hơn mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Cũng như 19 sinh viên khác của Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc, sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo trình độ cao đẳng, cấp độ quốc tế, nghề điện tử công nghiệp theo chương trình chuyển giao từ Học viện Chimlson Úc, em Nguyễn Quốc Huy đã được Tập Đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tuyển dụng trực tiếp tại buổi lễ tốt nghiệp. Bên cạnh kiến thức truyền đạt của các thầy, cô, do chịu khó học tập, nghiên cứu và được tiếp cận, thực hành trên dây chuyền hiện đại nên khi được tuyển dụng, em Nguyễn Quốc Huy đã nhanh chóng thích ứng, nắm bắt công việc mới.
Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng giảng dạy, sát với thực tế, đảm bảo việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp ra trường. Đây cũng là dịp để nhà trường lắng nghe những ký kiến đóng góp thẳng thắn của doanh nghiệp về chất lượng đào tào nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Nhờ làm tốt công tác đào và giải quyết việc làm đến nay, trên 95% học sinh, sinh viên của Trường Cao Đẳng nghề Vĩnh Phúc sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo.
Tại buổi thăm quan thực tế của một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động có chất lượng tay nghề cao tại Trường Cao đẳng Cơ khi Nông nghiệp đóng trên địa bàn xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên. Với chất lượng đào tạo được khẳng định, hàng năm có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trực tiếp đến đây để tuyển dụng nguồn lao động có chất lượng tay nghề cao, phục vụ cho quá trình phát triển của doanh nghiệp. Thay vì phải thông qua các kênh để tuyển dụng đủ nhân sự, các doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng đặt hàng đào tạo trực tiếp với các Nhà trường có chất lượng đào tạo nghề uy tín. Điều này mang đến nhiều thuận lợi cho cả 3 bên; Nhà trường đào tạo nghề theo địa chỉ, sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường và doanh nghiệp tuyển dụng được đúng, đủ nguồn nhân lực vào các vị trí đang cần, không phải tốn nhiều thời gian đào tạo lại.
Toàn tỉnh hiện có 39 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trung bình hàng năm, các cơ sở dạy nghề tuyển sinh hơn 65 nghìn học viên. Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, các cơ sở đào tạo nghề đã chủ động xây dựng cơ sở vật chất, đồng thời, liên kết, vận động doanh nghiệp ủng hộ trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy; phối hợp trong đào tạo, thực hành, thực tập rèn luyện tay nghề và trang bị kỹ năng mềm- văn hóa nghề cho học viên.
Hiện nay, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà máy. Không ít các doanh nghiệp đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất, nhiều vị trí các Robot đã thay thế sức lao động con người, nhiều vị trí đã tự động hóa. Tỉnh Vĩnh Phúc đang thu hút mạnh mẽ các dự án của nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ sản xuất hiện đại. Nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp là rất lớn, làm chủ trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại. Chính điều này đang đặt ra công tác đổi mới trong công tác đào tạo nghề của các nhà trường, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh./.
Nguyễn Toàn