Bệnh hen và bệnh tim mạch là 2 chứng bệnh mà người cao tuổi dễ mắc. Trường hợp người bệnh mắc cả 2 bệnh lý này thì cần được chăm sóc đặc biệt để tránh biến chứng nguy hiểm.
Mối liên hệ trực tiếp giữa bệnh hen và bệnh tim mạch
Các chất gây ô nhiễm không khí đã được chứng minh là ảnh hưởng xấu đến bệnh hen và làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Các yếu tố như: phấn hoa, bụi và gián, nấm mốc, lông vật nuôi, thay đổi thời tiết (đặc biệt là không khí lạnh)... là những yếu tố nguy cơ cao gây bệnh hen. Các nghiên cứu gần đây đã ghi nhận sự tăng nguy cơ các biến cố tim mạch bao gồm tử vong do tim và đột quỵ khi bị phơi nhiễm ngắn hoặc dài hạn với nồng độ ngày thường các chất gây ô nhiễm, đặc biệt là các phần tử nhỏ.
Bệnh nhân hen mạn tính tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Người hút thuốc thường sẽ có nguy cơ cao mắc hen. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định: bệnh nhân hen không hút thuốc tăng 33% nguy cơ bệnh tim mạch. Ở những người bệnh hen có hút thuốc, nguy cơ này tăng cao hơn nhiều. Đồng thời, bệnh nhân hen dai dẳng tăng 60% nguy cơ biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim, ngưng tim được hồi sinh, cơn đau thắt ngực, đột quỵ và tử vong do bệnh tim mạch/đột quỵ) khi so sánh với người không hen. 37% bệnh nhân hen có tăng huyết áp. Trong cơn hen cấp nặng, tăng huyết áp thường xảy ra. Hen làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành 1,4 lần, tai biến mạch máu não 1,2 lần và suy tim 2,1 lần.
Lý giải cho những kết luận trên là: bệnh tim và hen đều là những bệnh lý viêm. Chỉ số C-reactive protein (CRP) và fibrinogen tăng đáng kể ở bệnh nhân hen dai dẳng, gợi ý một liên kết giữa các quá trình viêm trong hen và bệnh tim mạch. Các cytokine thường hay gia tăng trong hen cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong cơn hen, bệnh nhân thường có tăng huyết áp, mạch nhanh do cường giao cảm, thiếu oxy máu, toan chuyển hóa do acid lactic... Hội chứng mạch vành cấp và tai biến mạch máu não tăng ở bệnh nhân hen so với bệnh nhân không hen. Các biến cố tim mạch này tăng hơn khi hen không kiểm soát (có nhiều cơn và/hoặc nhập viện do hen).
Người bệnh tim mạch sử dụng thuốc điều trị cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định đến bệnh hen.
Theo dõi dấu hiệu bệnh tim mạch ở bệnh nhân hen và cách phòng bệnh
Để biết người bệnh hen có mắc bệnh tim mạch không, cần lưu ý một số điểm sau: Các triệu chứng hen bao gồm ho, khó thở, nặng ngực và khò khè. Đau ngực (mà không phải là nặng ngực) không gợi ý hen mà gợi ý bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc các bệnh lý lồng ngực gây đau ngực khác. Ho trên bệnh nhân hen có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng một khi ho mạn tính, cần loại trừ do dùng thuốc ức chế men chuyển. Khó thở và ngay cả khò khè có thể là triệu chứng của suy tim. Các xét nghiệm tim mạch vẫn rất hữu ích trong chẩn đoán bệnh tim mạch trên người mắc hen trừ khi làm trong cơn cấp. Ví dụ sự đánh giá bệnh tim qua siêu âm tim có thể khó khăn hơn trong cơn cấp do ứ khí trong phổi.
Tình trạng mắc cả bệnh hen và bệnh tim trong quá trình điều trị cần phải chú ý sự ảnh hưởng của thuốc hen với bệnh tim mạch và ngược lại, ảnh hưởng của thuốc tim mạch với bệnh hen. Cụ thể: thuốc và corticoid dùng chữa hen cũng làm tình trạng bệnh tim mạch xấu hơn. Các loại thuốc này có thể gây tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 2,5 lần. Tuy nhiên, nếu người bệnh hen dùng các thuốc kiểm soát như corticoid hít và montelukast thì có tần suất bệnh tim mạch có thể thấp hơn. Bên cạnh đó, các thuốc đồng vận beta giãn phế quản làm tăng nhịp tim, hạ kali máu. Qua cơ chế này và qua việc kích thích hệ giao cảm, thuốc đồng vận beta có thể làm nặng hơn thiếu máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp và đột tử.
Người bệnh tim mạch sử dụng thuốc điều trị cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định đến bệnh hen. Một số thuốc tim khác có thể có những phản ứng đặc dị hiếm gặp như aspirin có thể khởi phát hen trên một số bệnh nhân, thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho hoặc gây co thắt phế quản.
Bệnh nhân bị hen dai dẳng (phải dùng thuốc kiểm soát hen hằng ngày) dễ gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Nhưng thay vì lo lắng là hen có thể làm gia tăng tim mạch, bệnh nhân hen nên lưu ý dự phòng và điều trị bệnh tim bằng cách điều chỉnh ngay các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Trước tiên là thay đổi lối sống như: bỏ thuốc lá, tăng cường vận động... Điều trị các bệnh lý đang mắc phải như: tăng huyết áp, thừa cân/béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường...
Phải kiểm soát bệnh hen tốt để tránh làm nặng thêm các bệnh lý tim mạch. Kiểm soát hen bằng những thuốc kiểm soát được khuyến cáo và dùng theo chỉ định của bác sĩ là an toàn và cần thiết. Hoạt động thể lực đều đặn giúp duy trì sức khỏe tốt không những cho bệnh nhân hen mà còn cho bệnh nhân tim mạch.
Với người bệnh mắc đồng thời cả bệnh hen và bệnh tim mạch và phải dùng thuốc chữa cả 2 bệnh này thì cần thận trọng vì một số thuốc chữa hen ảnh hưởng tới bệnh tim mạch và một số thuốc chữa tim mạch lại làm bệnh hen nặng hơn. Do đó, cần theo dõi sát diễn biến của bệnh để thông báo cho bác sĩ kịp thời nhất.
Theo suckhoedoisong.vn