Cập nhật: 19/04/2021 08:15:00
Xem cỡ chữ

SCMP ngày 8/4 cho biết, Mỹ được cho là đã điều tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island đến Biển Đông nhằm gia tăng sự hiện diện quân sự trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực.

Hai nhóm chiến hạm của Mỹ hội tụ trên Biển Đông

Theo các dữ liệu vệ tinh, nhóm tác chiến đổ bộ USS Makin Island (ARG) đã đi qua Eo biển Malacca vào Biển Đông từ cuối ngày 7/4 cho đến sáng 8/4, Tổ chức Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết. Nhóm này bao gồm tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island và tàu vận tải đổ bộ đường biển USS San Diego. SCSPI cho biết thêm, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin cũng đã hoạt động ở Biển Hoa Đông vào cuối tuần qua.

Tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island. Ảnh: Pacific Command.

Tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island. Ảnh: Pacific Command.

Trong một thông báo trên trang Twitter ngày 8/4, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết, các thủy thủ trên tàu USS Makin Island đã tiến hành “một cuộc diễn tập bắn đạn thật”. Ngoài ra, thông báo cũng đi kèm dòng hashtag kêu gọi đảm bảo “một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Động thái mới nhất này của Mỹ diễn ra trong bối cảnh cả nước này và Trung Quốc đều điều tàu sân bay đến Biển Đông. Tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ đã tiến hành tập trận cùng với Malaysia trong hai ngày 6 và 7/4, trong khi tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) của Trung Quốc đã đi qua Eo biển Miyako ở ngoài khơi phía tây nam Nhật Bản để tiến hành “cuộc tập trận theo kế hoạch” gần Đài Loan (Trung Quốc).

Các nhà phân tích cho biết, sự hiện diện của lực lượng hải quân Mỹ tại Biển Đông là thông điệp mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn gửi đến các đồng minh rằng Washington cam kết duy trì sự hiện diện trong khu vực để đối phó với Bắc Kinh.

Bắc Kinh từng hy vọng quan hệ với Washington sẽ được cải thiện sau khi cựu Tổng thống Trump mãn nhiệm, tuy nhiên các hoạt động quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Biden vẫn không thay đổi, thậm chí còn gia tăng.

Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình (Song Zhongping) tại Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng: “Do quan hệ Mỹ-Trung xấu đi đáng kể trong thời gian qua nên Mỹ đã tăng cường năng lực quân sự của nước này ở gần Trung Quốc. Việc Washington tập trung sự chú ý vào Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương là điều hoàn toàn bình thường”.

Trước đó ngày 7/4, Mỹ đã điều tàu khu trục USS John McCain đi qua Eo biển Đài Loan (Trung Quốc). Phản ứng trước động thái của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, hành động của Mỹ làm phức tạp tình hình khu vực và Washington “đang gửi tín hiệu sai trái, đe dọa hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan”.

Cảnh báo sắc lạnh đến Trung Quốc

Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông thời gian gần đây sau khi Trung Quốc tập kết hơn 200 tàu tại Đá Ba Đầu [ở cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND] kể từ giữa tháng 3 vừa qua. Hành vi của Trung Quốc làm gia tăng mối lo ngại về việc Bắc Kinh đang đẩy mạnh nỗ lực chiếm đóng bất hợp pháp Đá Ba Đầu. Việt Nam, Mỹ, Philippines và nhiều quốc gia khác đã kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức đưa các tàu ra khỏi khu vực và chấm dứt hành vi gây hấn.

Chưa hết, sự hiện diện gia tăng của lực lượng hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, giữa nước này với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông cùng việc Bắc Kinh tăng cường thực hiện chiến thuật “vùng xám” đã gây ra nhiều tranh cãi.

Collin Koh, một nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định, đây không phải là lần đầu tiên nhóm tác chiến đổ bộ của Mỹ đi qua Biển Đông. Tuy nhiên, điều này lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng giữa lúc tình hình trong khu vực đang căng thẳng.

Các hoạt động của  nhóm tác chiến đổ bộ Makin Island và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Biển Đông “thể hiện cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với khu vực, đặc biệt là nghĩa vụ của Washington đối với liên minh Mỹ-Philippines”, ông Collin Koh nhấn mạnh.

Nhà bình luận Tống Trung Bình cho rằng, ranh giới hàng hải của 3 hạm đội chính của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Hạm đội 3, Hạm đội 5 và Hạm đội 7 đã bị xóa nhòa dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump để nâng cao hiệu quả chiến đấu. Theo ông, việc tàu USS Makin Island nằm dưới sự quản lý của Hạm đội 5 di chuyển từ Ấn Độ Dương vào Biển Đông – nơi Hạm đội 7 hoạt động, đã phản ánh điều này.

“Trong Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khả năng chiến đấu của Hạm đội 3 là mạnh nhất. Vì thế họ cần chuyển hướng lực lượng chiến đấu đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mục tiêu chính ở đây là liên tục luân chuyển lực lượng quân sự của Hạm đội 3 vào khu vực hoạt động của của Hạm đội 5 và Hạm đội 7" chuyên gia này cho biết.

Theo ông Tống Trung Bình, tàu  USS Makin Island có thể đi qua Biển Đông và Thái Bình Dương để về căn cứ sở tại của nó ở San Diego, trên đường đi nó có thể tiến hành các cuộc tập trận.

Nhà quan sát quân sự tại Hong Kong, ông Liang Guoliang nhận xét rằng, nhóm tác chiến đổ bộ Makin Island sẽ chứng minh sức mạnh của hải quân Mỹ và gửi cảnh báo đến Trung Quốc rằng, mặc dù Bắc Kinh đã xây dựng trái phép các căn cứ quân sự và các đường băng ở những khu vực mà nước này chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông, nhưng hải quân Mỹ luôn có năng lực đổ bộ mạnh nhất thế giới để đối phó./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) - Ngày 9/4/2021

Theo SCMP

https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/tau-san-bay-va-tau-do-bo-my-hoi-tu-tren-bien-dong-khien-trung-quoc-lanh-gay-849198.vov