Sau hơn 1 năm vận hành, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia không chỉ giúp tăng tính minh bạch trong thu ngân sách, mà còn tạo thêm sự lựa chọn về hình thức thanh toán cho công dân, góp phần giảm thời gian chờ đợi, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc hạn chế sử dụng tiền mặt và hạn chế tiếp xúc nơi đông người là rất cần thiết, góp phần phòng, chống dịch, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Thường xuyên phải đến Trung tâm Phục vụ Hành chính công (PVHCC) tỉnh để thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp mình, chị Nguyễn Thị Hạnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinatop, huyện Bình Xuyên cho biết từ khi Trung tâm mới triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công Quốc gia, chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên máy điện thoại thông minh là chị đã thực hiện xong thanh toán nghĩa vụ tài chính thay vì phải ngồi chờ đến lượt nộp tiền mặt như những lần thực hiện thủ tục hành chính trước đây.
Để sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến các dịch vụ công, người dân, doanh nghiệp cần có một tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến và có tài khoản ngân hàng đăng ký thanh toán trực tuyến. Khi có nhu cầu, người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng nhập mã hồ sơ ghi trên phiếu tiếp nhận cùng số chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để tra cứu nghĩa vụ và thực hiện nộp tiền trực tuyến qua ngân hàng hoặc quét mã QR để thanh toán. Ngay khi hoàn tất việc thanh toán, biên lai thu các khoản phí,lệ phí sẽ được gửi công khai đến người dân và doanh nghiệp. Không chỉ giúp, người dân doanh nghiệp giảm thời gian chời đợi, thanh toán trực tuyến các dịch vụ công cũng đem lại nhiều thuận tiện đến cho cán bộ ngân hàng làm công tác thu ngân.
Hiện nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công gồm thanh toán phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác trong TTHC; khai và nộp thuế cá nhân, doanh nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; thanh toán tiền điện; thanh toán viện phí; nộp tạm ứng án phí... Đặc biệt, từ cuối tháng 11/2020, Vĩnh Phúc là 1 trong 4 địa phương được lựa chọn triển khai thử nghiệm dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Dịch vụ này đã góp phần cắt giảm các bước trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Nhận thức được tầm quan trọng của thanh toán trực tuyến trong việc giải quyết thủ tục hành chính là điều kiện tiên quyết để triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo chỉ đạo của Chính phủ, Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy mạnh hình thức thanh toán này. Cùng với việc tích cực tích hợp, đồng bộ 252 TTHC mức độ 3; 449 TTHC mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và quốc gia, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC là một trong những chỉ tiêu quan trọng mà các sở, ban, ngành, địa phương phải ký cam kết với UBND tỉnh về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính năm 2021.
Điểm khác biệt của Vĩnh Phúc là người dân và doanh nghiệp có thể thanh toán trực tuyến phí, lệ phí đối với cả hồ sơ nộp trực tiếp. Điều này đã tạo thuận lợi trong việc lựa chọn hình thức thanh toán, giảm việc sử dụng tiền mặt tại Trung tâm PVHCC tỉnh. Nhờ đó, trong 3 tháng gần nhất trở lại đây, tỷ lệ thanh toán trực tuyến tại Trung tâm luôn đạt trên 80% số lượng giao dịch. Một số đơn vị có nhiều hồ sơ thanh toán trực tuyến như: Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường… Đến nay, sau 16 tháng tích cực triển khai, đã có 15 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có TTHC phát sinh phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia với gần10.300 giao dịch, tổng số tiền trên 4 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 24% tổng số phí, lệ phí đã thu. Chỉ tính riêng trong năm 2021 đã phát sinh gần 8.000 giao dịch với tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng, gấp 3 lần về số lượng giao dịch và gấp 6 lần về tổng số tiền thanh toán so với 7 tháng cuối năm 2020. Với kết quả này, Vĩnh Phúc đang giữ vị trí đứng đầu toàn quốc về thực hiện thanh toán trực tuyến.
Để từng bước hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến cho người dân, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn và trả lời thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh giao tiếp qua Internet, mạng xã hội; sử dụng tối đa các phương tiện, hình thức hội họp trực tuyến, trao đổi qua email, tin nhắn điện thoại, góp phần thực hiện thành công lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số./.
Phương Liên