Thực hiện định hướng đưa HTX nông nghiệp trở thành hạt nhân trong quá trình phát triển KT-XH vùng nông thôn, trong năm 2021 Chi cục Phát triển Nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới trong quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp. Chỉ sau một thời gian ngắn, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chuyển biến tích cực, dần thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước khẳng định vị thế, vai trò trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Những năm qua, nhiều HTX nông nghiệp của Vĩnh Phúc mặc dù đã được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, thậm chí có đến 111 HTX tồn tại nhưng không có bất kỳ hoạt động nào. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân được xác định do việc sắp xếp lại hoạt động kinh doanh của các HTX này chưa bám sát với nhu cầu của thị trường. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi các HTX, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX kiểu mới và Luật HTX năm 2012 chưa sâu, chưa phong phú về nội dung, hình thức nên số lượng người dân tham gia vào HTX còn ít. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ cho các HTX Nông nghiệp sau khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 còn bị bỏ ngỏ. Hầu hết các HTX nông nghiệp thực hiện theo Luật HTX năm 2012 đều lúng túng khi thực hiện chuyển từ chế độ "bao cấp", thụ động sang hoạt động theo phương thức chủ động hạch toán kinh doanh. Vì vậy, số HTX Nông nghiệp dừng hoạt động và giải thể do không đáp ứng được nhu cầu đổi mới ngày một tăng lên. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 290 HTX nông nghiệp hoạt động, thì đến năm 2020, cả tỉnh chỉ còn 239 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bình quân mỗi năm giảm đến 10 HTX nông nghiệp.
Xác định sự yếu kém của HTX nông nghiệp là một trong những "điểm nghẽn" cần giải quyết của ngành nông nghiệp, năm 2021, Chi cục Phát triển Nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển như tham mưu thực hiện các nội dung theo Quyết định 1804 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, kinh tế HTX giai đoạn 2021-2025, tăng cường và đổi mới hình thức trong công tác tuyên truyền, tập huấn, trong đó nổi bật là công tác hỗ trợ, tư vấn thành lập mới HTX và tư vấn, củng cố, cơ cấu các HTX yếu kém hoặc chờ giải thể.
Chi cục Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị tư vấn thành lập mới các HTX nông nghiệp dựa trên nhu cầu thực tế. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong suốt quá trình từ xây dựng hồ sơ thành lập HTX cho đến lên phương án sản xuất, kinh doanh. Việc tư vấn cụ thể, chi tiết cho từng mảng, từng lĩnh vực hoạt động là căn cứ để các địa phương xúc tiến các bước tiếp theo trong quy trình thành lập mới các HXT nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở giúp các địa phương cơ cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất và hình thành những tổ chức sản xuất mới, góp phần thúc đẩy kinh tế tại địa bàn.
Sau nhiều năm ấp ủ, với sự tư vấn, hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương, tháng 9/2021 HTX Dịch vụ tổng hợp và Cá tầm Tam Đảo đã được ra mắt dựa trên việc khai thác các thế mạnh sẵn có tại địa phương. Với 7 thành viên cùng 7 lĩnh vực hoạt động khác nhau, HTX đang tận dụng có hiệu quả lợi thế của núi rừng để chăn nuôi lợn rừng, nuôi cá tầm và sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc trưng tại Tam Đảo như bánh chưng gù, bánh gio, xôi đen, mật ong rừng...HTX được thành lập và đi vào hoạt động không chỉ giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương mà còn tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân.
Thấy rõ vai trò của kinh tế hợp tác, nhất là sự đóng góp của HTX nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế nông thôn, nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm hỗ trợ tối đa về chính sách cho các HTX nông nghiệp. Không chỉ tạo điều kiện thành lập mới HTX, các địa phương còn tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai sản xuất cho các HTX đang hoạt động, để các HTX này có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất.
Mặc dù dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của tỉnh, song với sự nỗ lực và cách làm sáng tạo của Chi cục Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, đã có 15 HTX nông nghiệp được thành lập mới trong toàn tỉnh, đạt 300% kế hoạch được giao. Chủ trương hỗ trợ thành lập mới và phát triển HTX nông nghiệp đã bắt mạch đúng và trúng với đòi hỏi thực tiễn tại các địa phương trong tỉnh khi ngành nông nghiệp đang phát triển theo chiều sâu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến sản xuất theo hướng hiện đại.
Song song với công tác tư vấn thành lập mới các HTX, Chi cục Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc còn tập trung vào củng cố các HTX hoạt động yếu kém cũng như thúc đẩy các HTX đang hoạt động phát triển. Đối với các HTX hoạt động yếu kém, Chi cục PTNT đã trực tiếp hướng dẫn các HTX này sắp xếp lại hoạt động, cơ cấu tổ chức, chuyển đổi phương thức sản xuất và tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ lãnh đạo đối với những HTX đang hoạt động.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Nhiên, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ trồng trọt. Từ đầu năm nay, khi Công ty Thủy lợi Liễn Sơn bàn giao việc tưới tiêu về cho địa phương, HTX được xã Vũ Di giao thêm nhiệm vụ dịch vụ thủy lợi. Mặc dù đây không phải là một lĩnh vực mới, tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, việc tổ chức hoạt động mảng thủy lợi của HTX còn bối rối và gặp không ít khó khăn do thiếu nhân lực có chuyên môn và cơ sở vật chất xuống cấp. Với sự hỗ trợ của ngành NN, sau gần 1 năm tiếp nhận, các hoạt động dịch vụ thủy lợi của HTX đã đi vào hoạt động ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ tưới, tiêu cho nông dân ổn định sản xuất.
Được sự định hướng của Chi cục Phát triển nông thôn, HTX Nông nghiệp Sông Lô Xanh đã hướng dẫn các thành viên chuyển đổi từ phương thức trồng trọt, chăn nuôi cũ sang trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo hướng VietGAP. Đồng thời, khuyến khích các thành viên cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như thanh long, bưởi, na... và kết hợp chăn nuôi lợn, gà thương phẩm. Thực hiện đúng các quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, việc tiêu thụ sản phẩm của các thành viên HTX cũng thuận lợi hơn.
Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của Chi cục Phát triển nông thôn trong việc thúc đẩy thành lập mới HTX và củng cố HTX đang hoạt động, chất lượng các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đến tháng 10/2021, Vĩnh Phúc có 264 HTX nông nghiệp, trong đó có 163 HTX hoạt động có hiệu quả. Số HTX cần được giải thể đã giảm từ 111 HTX (năm 2020) xuống còn 101 HTX (năm 2021). Sự thay đổi cả về chất và lượng của các HTX nông nghiệp trong năm 2021 là cơ sở vững chắc để tạo đà cho các HTX này trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế nông thôn.
Không thể phủ nhận những đóng góp của các HTX nông nghiệp đối với sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, HTX nông nghiệp hiện vẫn chưa phát huy hết vai trò, vị trí và chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều mô hình HTX nông nghiệp thực hiện liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn... Thậm chí, tại nhiều địa phương, một số HTX nông nghiệp hoạt động còn yếu kém nên không thu hút được các thành viên tham gia. Điều này đang đặt ra cho các địa phương cần có những giải pháp cụ thể để phát triển các HTX cả về chất lượng và số lượng.
Thực hiện định hướng của Bộ NN & PTNT, Vĩnh Phúc xác định đưa các HTX nông nghiệp trở thành hạt nhân quan trọng trong phát triển KT-XH nông thôn, đặc biệt là trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Vì vậy, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về HTX kiểu mới và tự nguyện chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệpsang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, thì việc đẩy mạnh hoạt động tư vấn hỗ trợ thành lập mới HTX, giúp các HTX yếu kém khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng là một yêu cầu tất yếu đối với ngành nông nghiệp. Đồng thời, trong bối cảnh phong trào phát triển HTX còn yếu như hiện nay rất cần có các chính sách của tỉnh hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khoa học công nghệ, chuyển đổi số…. Trước mắt, tỉnh cần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1804 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, kinh tế HTX giai đoạn 2021-2025 theo hướng hỗ trợ nhiệm vụ nào thì có giải pháp ấy, kèm theo bố trí nguồn lực hợp lý để vừa xây dựng mô hình điểm để nhân rộng, vừa tạo động lực để phát triển HTX nông nghiệp của tỉnh với những bước chuyển hiệu quả, bền vững.
Thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh và đang từng bước trở thành hạt nhân trong phát triển KT-XH ở khu vực nông thôn./.
Hà Giang