Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Vĩnh Phúc triển khai theo Quyết định 490 của Thủ tướng Chính phủ đã có tác động lớn đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm trên địa bàn. Chứng nhận tiêu chuẩn OCOP đã và đang mang lại ý nghĩa thiết thực trong sản xuất, tiêu thụ nông sản tại các địa phương.
Sau 2 năm triển khai chương trình, trải qua nhiều khâu xét chọn, đến hết năm 2020, Vĩnh Phúc đã có 40 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao. Tham gia vào chương trình OCOP, các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Tận dụng những sản phẩm nông nghiệp sẵn có và phát huy nghề làm tương truyền thống tại địa phương, HTX Hợp tác xã Sản xuất và Chế biến Lương thực - Thực phẩm sạch Thủy Phương đã chế biến thành công sản phẩm Tương nếp truyền thống này. Ngay sau khi thành lập, HTX đã đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh với mong muốn xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường. Với việc không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo tiêu chuẩn của chương trình, năm 2019, sản phẩm tương Thủy Phương của HTX đã được tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao. Đây là những khởi đầu thuận lợi cho một HTX non trẻ mới được thành lập trong việc tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm Tương nếp Thủy Phương từ việc chỉ bán trong làng, xã đã có cơ hội vươn ra thị trường các tỉnh phía Bắc.
Đối với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, dù các sản phẩm làm ra đã có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, song khi được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, thì thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn, thậm chí còn hướng đến xuất khẩu. Như sản phẩm nấm Đùi gà, nấm Yến của công ty TNHH nấm Phùng Gia sản xuất với công nghệ nhà lạnh Hàn Quốc đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của Vĩnh Phúc năm 2019 và năm 2020. Mỗi ngày, công ty Nấm Phùng Gia cung ứng ra thị trường hơn 1 tấn nấm đùi gà và khoảng 3-4 tạ nấm yến, phân phối chủ yếu cho hệ thống Vinmart và các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện công ty đang nghiên cứu mở rộng sản xuất, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để chinh phục thị trường phía Nam và hướng đến xuất khẩu.
Dù mới bắt tay vào triển khai từ năm 2019, nhưng chương trình mỗi xã một sản phẩm đã thu hút được hàng trăm chủ thể là hộ cá nhân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia. Đối với nhiều chủ thể, tham gia chương trình OCOP là cơ hội để hoàn thiện quy trình sản xuất, cũng như xây dựng và khẳng định thương hiệu sản phẩm. Bởi, mỗi chủ thể khi tham gia chương trình OCOP sẽ được cơ quan chủ quản hướng dẫn và hỗ trợ các bước trong xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm. Và khi các sản phẩm này đủ tiêu chuẩn để đánh giá phân hạng sao theo chương trình OCOP sẽ được tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh, đồng thời, được tham gia hỗ trợ bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Năm 2021 làm năm thứ 3 tỉnh Vĩnh Phúc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm. Năm nay, chương trình đã thu hút nhiều chủ thể với hơn 60 ý tưởng sản phẩm tham dự. Sau nhiều vòng xét, chọn, đánh giá, Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM Vĩnh Phúc đã chấm và chọn được 23 sản phẩm để đề nghị UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP của Vĩnh Phúc năm 2021. Đây đều là những sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh và đang trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, cải thiện đáng kể về mẫu mã, bao bì, được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng lựa chọn. Nhiều sản phẩm đã được các địa phương phát triển dựa trên lợi thế sẵn có, từ đó phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: trà hoa vàng Tam Đảo, tinh nghệ Tam Đảo...Với mục tiêu xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm OCOP để vươn tới nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh, các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP ngày càng được tỉnh chuẩn hoá. Trong đó, nhóm sản phẩm OCOP cấp tỉnh được lựa chọn đánh giá, phân hạng hàng năm theo quy trình chuẩn OCOP Vĩnh Phúc phải đạt tối thiểu từ 3 sao trở lên.
Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng các sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Phúc, tháng 9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 53 về Quy định mức hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, các cá nhân, đơn vị có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư công nghệ mới phục vụ sản xuất; Hỗ trợ quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP, bao gồm cả chi phí đăng ký và thiết kế nhãn hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị, cá nhân tham gia chương trình OCOP cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí trong quá trình tham gia gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ; chi phí xây dựng website quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm. Đây cũng là một trong những chương trình nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.
Hà Giang