Cập nhật: 01/01/2022 07:43:00
Xem cỡ chữ

1. Liên hợp quốc nỗ lực thúc đẩy đoàn kết giữa các quốc gia trên thế giới cùng ứng phó các thách thức cấp bách toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột, đói nghèo và bất bình đẳng. Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, qua đó tiếp tục nâng tầm vị thế và uy tín của đất nước.

Việt Nam chủ trì họp báo quốc tế trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

1. Liên hợp quốc nỗ lực thúc đẩy đoàn kết giữa các quốc gia trên thế giới cùng ứng phó các thách thức cấp bách toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột, đói nghèo và bất bình đẳng. Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, qua đó tiếp tục nâng tầm vị thế và uy tín của đất nước.

2. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) duy trì đà hợp tác, liên kết khu vực, nỗ lực ứng phó thách thức và phục hồi sau dịch Covid-19, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được phê chuẩn, góp phần tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.

3. Trung Quốc, Lào và Cuba bước vào giai đoạn phát triển quan trọng, sau các sự kiện chính trị trọng đại kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI và Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VIII; đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn mới, kiên trì con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

4. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 bước vào giai đoạn mới khi nhiều biến thể nguy hiểm như Delta, Omicron, Lambda... xuất hiện, đe dọa phá hủy các thành quả chống dịch của thế giới, chặn đứng đà phục hồi kinh tế tại nhiều nước. Chiến dịch phủ sóng vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn thế giới đang được triển khai tích cực, song tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin vẫn là vấn đề gây nhức nhối.

5. Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đạt bước tiến quan trọng với sự ra đời của Hiệp ước khí hậu Glasgow. Theo đó, lần đầu tiên, nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của hội nghị khí hậu Liên hợp quốc. Trong khi đó, thảm họa thiên tai, hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng mức độ nghiêm trọng và khó lường.

6. Tổng thống Mỹ Joe Biden triển khai chính sách “Xây dựng lại tốt hơn”, đảo chiều chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, đưa Washington trở lại tham gia nhiều tổ chức, hiệp ước quốc tế, củng cố quan hệ đồng minh; thông qua nhiều đạo luật trong nước về cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội có giá trị lớn kỷ lục.

7. Lực lượng Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan, trong bối cảnh liên quân phương Tây rời đi, khép lại cuộc can thiệp nhằm tiêu diệt khủng bố kéo dài 20 năm tại quốc gia Tây Nam Á. Afghanistan cận kề khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, đối mặt nguy cơ khủng bố trỗi dậy.

8. Mỹ, Anh và Australia thông báo thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, còn gọi là AUKUS, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc Australia thông báo hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp trị giá hàng chục tỷ USD, chuyển sang đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ được Mỹ và Anh chuyển giao như một phần của AUKUS, đã làm rạn nứt các mối quan hệ đồng minh truyền thống xuyên Đại Tây Dương.

9. Thỏa thuận hạt nhân Iran đứng trước cơ hội “hồi sinh”, sau khi nối lại các cuộc đàm phán nhằm đưa Mỹ và Iran trở lại tham gia đầy đủ vào văn kiện lịch sử này. Cánh cửa hòa bình Trung Đông hé mở sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có những động thái nhằm đưa Mỹ trở lại vai trò trung gian trong đàm phán giữa Israel-Palestine. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức trong giải quyết các vấn đề bởi căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran và tồn tại bất đồng sâu sắc giữa Israel và Palestine.

10. Cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu diễn biến ngày càng nghiêm trọng, nhất là tại khu vực biên giới Belarus-Ba Lan và eo biển Manche (Măng-sơ) nối Anh và Pháp. Dòng người di cư ồ ạt gây nên những bất ổn về an ninh, xã hội tại châu Âu, cũng như những rạn nứt trong mối quan hệ giữa các nước.

Theo BAN QUỐC TẾ BÁO NHÂN DÂN(Bình chọn)

https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/10-su-kien-quoc-te-noi-bat-nam-2021-680735/