Nhiều năm qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã và đang kết nối yêu thương, nuôi dưỡng, che chở và trở thành ngôi nhà chung của các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp cho họ lạc quan, tự tin trong cuộc sống, qua đó, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khi ai ở đâu thì ở yên đó để chống dịch thì Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã tiếp nhận khẩn cấp 5 đối tượng là trẻ em bị bỏ rơi, người lang thang xin ăn từ một số tỉnh, thành bị lạc về Vĩnh Phúc. Không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn chủ động tìm kiếm thông tin, liên lạc với địa phương để đưa các trường hợp này trở về bên người thân nhân, gia đình. Tại thời điểm đó nếu các mảnh đời kém may mắn trên không được nhận vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thì không biết cuộc sống của họ sẽ đi đâu về đâu.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 82 đối tượng bảo trợ xã hội là trẻ em mồ côi bị bỏ rơi, người già cô đơn, người khuyết tật. Mỗi một trường hợp vào đây đều có hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung lại đều kém may mắn không cuộc sống, không nơi nương tựa. Chồng mất khi mới 38 tuổi, không con, không người thân thích, mười một năm vào đây là chừng đấy năm bà Vinh được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, có lẽ nhờ đó mà bà Vinh luôn lạc quan, vui vẻ trong cuộc sống.
Mồ côi cha mẹ tử nhỏ nếu không có vòng tay dang rộng chăm sóc, nuôi dưỡng của Trung tâm Công tác xã hội thì có lẽ em Phạm Đức Trung đã phải bỏ học để mưu sinh. Với nghị lực của bản thân, sau nhiều năm đèn sách, em Trung cũng sắp tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc với tấm bằng nghề cơ khí. Đây là phần thưởng ý nghĩa nhất mà em muốn tri ân tới mọi người nơi đây.
Từ khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số trường hợp F0 tại cộng đồng có xu hướng tăng cao, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đã nhiều ngày nay điều dưỡng Nhung đã phải tạm gác công việc gia đình, toàn tâm, toàn ý chăm sóc, nuôi dưỡng cho các trường hợp yếu thế ở đây.
Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hằng năm Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn đưa đối tượng đi khám bệnh định kỳ tại một số bệnh viên trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe của từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, các dịp lễ, Tết là thời điểm các đối tượng bảo trợ ở đây thường rất nhớ nhà, người thân, buồn tủi cho số phận của mình. Thấu hiểu được niềm mong mỏi đó, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, Trung tâm thường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo chu đáo tết cho các đối tượng. Những món quà, những lời động viên thăm hỏi thấm đượm tình người đã giúp những mảnh đời kém may mắn xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.
Được sự quan tâm của tỉnh, trong những năm qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, các hạng mục cơ bản khang trang sạch đẹp, đáp ứng tốt công tác tư vấn, trợ giúp, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên tới thăm, động viên các đối tượng bảo trợ xã hội, đây cũng là nguồn động lực tinh thần lớn để mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đươc giao. Nhằm áp ứng nhu cầu của xã hội, Trung tâm Công tác xã hội đã triển khai cung cấp dịch vụ tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các trường hợp người già tự nguyện; chăm sóc, can thiệp cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí. Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người dân.
Với thông điệp Trung tâm là nhà, đối tượng bảo trợ là người thân; kết nối yêu thương, chung tay vì cộng đồng, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh sẽ mãi là mái nhà chung, an toàn che chở cho các mảnh đời yếu thế, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng thể hiện tính nhân văn trong thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh./.
Nguyễn Toàn