Cập nhật: 13/04/2022 09:20:00
Xem cỡ chữ

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2020, trong đó nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước.

Theo đó, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững cho nông nghiệp tỉnh nhà đang là mục tiêu ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc hướng tới.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng với định hướng phát triển không đi theo lối mòn, bằng cách đa dạng hóa dịch vụ và nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, HTX Nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu huyện Tam Đảo không chỉ giữ vững đà tăng trưởng, tạo việc làm ổn định cho người lao động mà còn cung cấp cho thị trường đa dạng các sản phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng. Với mục tiêu không để "đứt gãy" chuỗi sản xuất, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội Fanpage và sàn thương mại điện tử.

Các thành viên trong HTX đã tích cực sử dụng Facebook, Zalo để đăng tải hình ảnh, video giới thiệu về quá trình nuôi, chăm sóc, thu hoạch nấm, đông trùng hạ thảo, thông tin về nguồn gốc, công dụng sản phẩm tới khách hàng. Từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn xuất ra thị trường.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đang được nhiều nông dân Vĩnh Phúc chủ động đầu tư. Các mô hình nhà màng, nhà lưới, trồng cây trên giá thể, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới tự động, tự động điều chỉnh lượng gió, ánh sáng... trong trồng trọt ngày một trở nên phổ biến và nhân rộng. Nhờ vậy, không chỉ tiết kiệm nhân công mà còn nâng cao năng suất cây trồng nhiều lần so với phương thức cũ. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, việc sử dụng mạng xã hội để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đang được nhiều tổ chức, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể khai thác có hiệu quả.

Chuyển đổi số chính là chìa khóa quan trọng giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Phương thức này có thể kết nối trực tiếp giữa người sản xuất với người tiêu dùng, loại bỏ khâu trung gian giúp giá cả nông sản ổn định.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa thực sự bao phủ rộng rãi. Bởi trong tiến trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nông nghiệp, diện tích đất sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tập quán và ý thức sản xuất của người dân còn tự do thiếu liên kết, trong khi trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ, những mô hình điểm của tỉnh sẽ là căn cứ để người dân từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất.

Để lĩnh vực nông nghiệp bắt nhịp công cuộc chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đang từng bước ứng dụng công nghệ số nhằm tự động hóa các quy trình quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; thực hiện chuyển đổi số trong công tác dự báo, cảnh báo thị trường; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. Cùng với ngành nông nghiệp, người nông dân chính là một chìa khóa then chốt trong công cuộc chuyển đổi số. /.

Thanh Tùng