Cuộc chiến ở Ukraine kéo dài đang chia rẽ phương Tây khi họ không tìm được tiếng nói chung trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev cũng như kết cục của cuộc xung đột.
Rạn nứt xuất hiện trong lòng phương Tây
Sau chuyến thăm Kiev và cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khẳng định, Mỹ sẽ "sát cánh với Ukraine cho tới khi chiến thắng". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thì cho rằng "chúng tôi muốn chứng kiến Nga bị suy yếu tới mức không thể làm bất kỳ điều gì như nước này đã làm với Ukraine".
Washington đã chi số tiền hỗ trợ chưa từng có, 54 tỷ USD cho Kiev kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine diễn ra. Phần lớn khoản ngân sách đó đã được thông qua vào tuần trước khi Tổng thống Biden ký thông qua dự luật hỗ trợ thêm 40 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có 20 tỷ USD hỗ trợ quân sự.
Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố tự tin của Washington, Mỹ dường như không có chiến lược cụ thể hay kế hoạch cho việc kết thúc cuộc chiến ở Ukraine với những điều khoản mà Kiev có thể chấp nhận được.
Financial Times dẫn các điểm dự thảo trong tài liệu nội bộ của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, Washington muốn hướng đến một "Ukraine dân chủ, độc lập và có chủ quyền", cũng như đảm bảo rằng những nỗ lực của Nga nhằm chi phối Ukraine sẽ thất bại.
"Chúng tôi tập trung vào việc hỗ trợ Ukraine hết mức trên chiến trường để đảm bảo nước này có nhiều ảnh hưởng nhất có thể trên bàn đàm phán", bản dự thảo các điểm thảo luận trên cho hay.
Một số nhà phân tích cho rằng chính quyền Tổng thống Biden có lẽ sẽ tiếp tục hướng tiếp cận "mập mờ chiến lược" trong cuộc chiến ở Ukraine.
"Mục tiêu của chiến lược này là đảm bảo Nga sẽ thất bại nhưng sẽ không xác định cụ thể và chính xác thất bại ấy là gì. Điều này được cho là nhằm duy trì sự linh động. Họ không muốn quá sa đà vào nội dung chi tiết của việc đó", Steven Pifer - cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine và học giả William Perry tại Đại học Stanford cho hay.
Chính quyền Tổng thống Biden hiện đang cố gắng duy trì sự cân bằng chiến lược. Mỹ muốn cung cấp sự hỗ trợ quân sự hiệu quả cho Ukraine nhưng cũng muốn tránh bất kỳ ấn tượng nào cho thấy Washington đang khiến Kiev phải đưa ra những nhượng bộ cuối cùng về lãnh thổ.
Cùng thời điểm, Mỹ cũng đang cố gắng tập hợp liên minh quốc tế nhằm ủng hộ Ukraine, trong đó có những đồng minh châu Âu đã công khai bày tỏ mối lo ngại về tác động của một cuộc chiến kéo dài đối với Ukraine cũng như xã hội và nền kinh tế của chính họ.
Một số quan chức Ukraine và các nhà lãnh đạo Đông Âu cho rằng chiến tranh chỉ kết thúc khi toàn bộ lãnh thổ Ukraine "được giải phóng". Tuy nhiên, một vài nước phương Tây thì khuyến khích sự thỏa hiệp để hai bên có thể ngồi vào bàn đàm phán cũng như Ukraine có thể sẽ nhượng bộ Nga về lãnh thổ như một phần của thỏa thuận hòa bình.
Trong khi tất cả các thành viên trong liên minh quốc tế của Mỹ đều cho rằng quyết định cuối cùng phụ thuộc vào Ukraine thì họ hiểu rằng khả năng của Kiev trong cuộc chiến này phụ thuộc chủ yếu vào vũ khí và hỗ trợ tài chính mà Ukraine nhận được - phần lớn trong số đó đến từ Mỹ.
Mỹ chia rẽ về việc hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine
Sự hỗ trợ đáng kể mới đây của Mỹ cho Ukraine đã cho thấy cam kết lâu dài của Washington với Kiev nhưng điều đó cũng đang được định nghĩa một cách rất thận trọng.
Mỹ đã cung cấp số lượng vũ khí hạng nặng trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine và các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết họ đang thảo luận về những yêu cầu bổ sung của Ukraine khi chuẩn bị lên kế hoạch về việc phân bố gói hỗ trợ mới nhất này.
Washington đã cam kết cung cấp hàng chục lựu pháo cỡ nòng 155 mm do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Đây là loại vũ khí có tầm bắn xa hơn và chính xác hơn các loại pháo tiêu chuẩn của Nga. Phần lớn lô vũ khí này đã đến Ukraine và đang bắt đầu được sử dụng trên chiến trường, các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
Chính quyền Tổng thống Biden đang đối mặt với sức ép chính trị để tiến xa hơn trong việc hỗ trợ Ukraine. Rob Portman, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Ohio và một số thượng nghị sĩ khác kêu gọi Tổng thống Biden chuyển thêm nhiều hệ thống tên lửa cho Ukraine.
"Chúng ta cần chắc chắn rằng chúng ta đang cung cấp cho họ những thứ họ thực sự cần. Chúng ta không nên tự lừa dối mình rằng nếu chúng ta ngừng cung cấp những hệ thống như Hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) cho Ukraine thì chúng ta sẽ không khiêu khích Nga và Tổng thống Putin sẽ dừng hoặc giảm bớt các cuộc tấn công", ông Rob Portman nhận định.
Các quan chức Ukraine đã nhiều lần yêu cầu các vũ khí tầm xa hơn như Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS). Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa đưa quyết định về việc cung cấp hệ thống này trong khi một nghị sĩ cho biết chính quyền Tổng thống Biden vẫn do dự trong việc chuyển chúng cho Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Biden không muốn các vũ khí quân sự Mỹ hỗ trợ cho Ukraine được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga và nước này cũng sẽ không cung cấp các thông tin về các lãnh đạo quân sự cấp cao của quân đội Nga trên chiến trường, các quan chức Mỹ cho hay.
Các quan chức Mỹ cho rằng Nga sẽ suy yếu hơn sau chiến tranh dù kết quả thế nào bởi Moscow phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế và kiểm soát xuất khẩu khiến nền kinh tế bị suy yếu.
Nga sẽ bị suy yếu bất kể kết cục của cuộc chiến như thế nào và bị bao quanh bởi nhiều nước NATO hơn, Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Tập đoàn Rand Corporation nhận định khi nhắc đến việc Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng Nga vẫn có ưu thế lớn hơn đáng kể so với Ukraine và một cuộc chiến kéo dài có thể đẩy Ukraine vào khủng hoảng tài chính. Việc các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa đã khiến Ukraine phải dừng xuất khẩu lúa mì. Đây cũng sẽ là một cú đánh mạnh vào nguồn cung lương thực thế giới.
Châu Âu không có cùng tiếng nói
Cho tới nay, một vài rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đang chia rẽ châu Âu khi mà những nước như Ba Lan, Anh duy trì lập trường cứng rắn trong khi Pháp, Italy và Đức có những bước đi thận trọng hơn.
Những người ủng hộ quan điểm đầu tiên cho rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào trước Nga đều sẽ chỉ khiến giao tranh ác liệt hơn. Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins đã tuyên bố trong tuần này rằng "giải pháp duy nhất cho cuộc chiến này là Ukraine giành chiến thắng và Nga bị đánh bại". Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng phản đối "những lập trường quan ngại" cho rằng Ukraine nên đáp ứng các yêu cầu của Nga.
Trong khi đó Tổng thống Pháp và Thủ tướng Italy thì cho rằng các bên nên nhanh chóng đàm phán chấm dứt chiến tranh và bày tỏ lo ngại về một cuộc chiến kéo dài.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các nước phương Tây "đừng bao giờ cố gắng làm bẽ mặt hay có tư tưởng trả thù" khi đối phó với Nga. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp cũng khẳng định, việc quyết định "các điều kiện đàm phán với Moscow" là phụ thuộc vào Kiev.
Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh cần tiến hành lệnh ngừng bắn giữa bối cảnh Ukraine đang hối thúc các nước phương Tây cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng hơn.
Thủ tướng Italy Mario Draghi đã nhận định với Tổng thống Biden trong cuộc gặp tháng 5 rằng Italy muốn lệnh ngừng bắn ở Ukraine được thực hiện để ngăn tổn thất về nhân mạng cũng như nối lại các cuộc đàm phán nhằm giải quyết các vấn đề giữa Nga và Ukraine.
Căng thẳng gay gắt nhất giữa các bên hiện nay là liệu sự dàn xếp lãnh thổ như thế nào có thể chấm dứt cuộc chiến. Các quan chức Ukraine muốn giành lại Donbass và thậm chí cả Crimea trong một cuộc phản công nếu phương Tây cung cấp đủ vũ khí.
Một vài chính trị gia ở Ukraine đã bày tỏ thái độ giận dữ khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng Kiev nên nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt tổn thất của một cuộc chiến kéo dài. “Một cách lý tưởng, đường phân chia nên trở lại nguyên trạng trước đây. Theo đuổi chiến tranh vượt quá điểm đó sẽ không phải là vì tự do của Ukraine mà là phát động một cuộc chiến tranh mới chống lại Nga”.
Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với truyền hình Ukraine tuần trước, Tổng thống Zelensky cho biết, Kiev chấp nhận với tình trạng trước chiến tranh.
"Tôi sẽ cân nhắc đó là một chiến thắng cho đất nước chúng tôi. Chúng tôi vẫn chưa giành lại được tất cả lãnh thổ bởi mọi thứ không đơn giản như vậy. Chúng tôi phải cân nhắc cái giá của chiến tranh và cái giá của mỗi lần chấm dứt sự chiếm đóng".
Lập trường của Washington dường như đang ở giữa 2 thái cực của các đồng minh châu Âu bởi trong khi các quan chức Mỹ không hối thúc Ukraine quay lại tiến trình đàm phán hòa bình ngay lập tức thì họ cũng thận trọng hơn trước những động thái có thể khiến căng thẳng leo thang.
Các nước châu Âu hiện lo ngại cuộc khủng hoảng lương thực do các cảng của Ukraine bị chặn lại khiến lúa mì không thể xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến các nước châu Phi và Trung Đông, dẫn tới làn sóng di cư mới sang châu Âu.
"Không có nước châu Âu nào muốn một cuộc chiến không bao giờ kết thúc. Cuộc chiến này khiến Nga tổn thất nhưng cũng làm gia tăng bất ổn ở những nước láng giềng. Châu Âu muốn một thỏa thuận hòa bình sẽ diễn ra với những điều kiện có thể chấp nhận được", Stefano Stefanini, cựu Đại sứ Italy tại NATO cho hay./.