Trong cuốn sách “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, xuất bản năm 2007 có một câu chuyện nhỏ nhưng mang ý nghĩa vô cùng lớn.
“Năm 1952, trong một lần đến thăm lớp “chỉnh huấn” chính trị trung cao cấp, anh em quây quần xung quanh Bác, nghe Bác kể chuyện, dặn dò. Cuối buổi, Bác cầm một cái que nói:
- Các chú học đã giỏi, bây giờ Bác đố chữ này xem các chú có biết không nhé!
Anh em hưởng ứng “vâng ạ!”, “vâng ạ!”. Người nào biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc thì “nhẩm” lại kiến thức của mình, người không biết tiếng nước ngoài thì băn khoăn có chữ gì khó mà lại không đọc được nhỉ?
Bác vẽ một gạch ngang trên mặt đất rồi hỏi:
- Chữ gì nào?
Tưởng chữ “phạn”…chữ “cổ đại” nào chứ chữ này ai mà không biết. Cả lớp hò lên: Thưa Bác, chữ “nhất” ạ.
Bác khen:
- Giỏi đấy.
Rồi Bác lại gạch một gạch nữa dưới chữ nhất. Chưa kịp hỏi, anh em đã ồ lên:
- Chữ “nhị” ạ.
- Bác động viên:
- Giỏi lắm…
Người lại gạch thêm một gạch nữa dưới hai gạch cũ.
- Chữ “tam” ạ…
Bác cười:
- Khá lắm
Rồi Người vạch thêm một vạch nữa dưới chữ “tam”.
- Chữ gì nào?
“Các vị” đớ người ra, nhìn vào vạch đầu tiên thì vừa phải, vạch thứ hai dài hơn đã có hơi lệch một chút, vạch thứ ba dài hơn tí nữa cũng không được “song song” cho lắm, vạch thứ tư dài nhất, có vẻ đã “cong” lắm rồi…Tiếng Pháp thì không phải. Tiếng Hán chữ “tứ” viết khác cơ!
Bác giục:
- Thế nào? Các nhà “mác - xít”?
Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã “queo”, vạch thứ ba thì “quẹo”, vạch bốn như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt…
Bác đứng dậy:
- Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra…Các chú biết cả đấy…
Để que xuống đất, Bác nói:
- Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn…Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã tả hữu, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương, đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học, thì các chú lại ít làm…
Học viên cả lớp đứng im, không dám nhìn vào Bác.”
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, đảng viên (nguồn Internet).
Câu chuyện tuy ngắn và tồn tại qua 70 năm, tưởng chừng giản đơn nhưng vẫn còn nguyên giá trị lớn, đó là niềm mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lớp lớp thế hệ cán bộ sau này cần luôn gương mẫu, soi mình, tự sửa mỗi ngày để làm tốt công việc mà Đảng và Nhân dân giao phó. Quan điểm chủ trương ấy luôn luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” có 5 lần nhắc tới từ “quan liêu” đồng thời nêu rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 đưa ra nhiều con số “đáng buồn” trong công tác cán bộ: Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Kỷ luật đồng chí, đồng đội là điều đau xót nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói: phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 (nguồn ảnh Thông tấn xã).
Với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta thực hiện quyết liệt, đạt hiệu quả. Tuy nhiên, một số đối tượng xấu lợi dụng công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta để xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn. Trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị thường xoáy sâu vào những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, trong đó tham nhũng là vấn đề được chúng triệt để lợi dụng. Các thế lực thù địch, phản động ra sức rêu rao rằng: “Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng”... Không chỉ vậy, chúng tự cho rằng: Tham nhũng chỉ xuất hiện ở những nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, “tham nhũng là vấn đề thuộc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”... Thực chất của luận điệu ấy không gì mới, không có gì khác ngoài việc lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu hòng làm suy giảm uy tín của Đảng tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam… Đặc biệt, bọn chúng thường suy diễn, chụp mũ, xuyên tạc những ý kiến chỉ đạo chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Những luận điệu ấy không nhằm mục đích gì khác là xuyên tạc mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của cuộc đấu tranh này; bôi nhọ, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chia rẽ nội bộ ta, gây phân tâm trong xã hội, làm giảm sút ý chí, quyết tâm phòng chống tham nhũng và lòng tin của Nhân dân vào Đảng, vào chế độ.
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Giữ vững trận địa tư tưởng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cấp thiết. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần phải có các giải pháp để “tăng sức đề kháng” của mỗi người dân Việt Nam, để khi tiếp cận các thông tin, người dân biết thông tin nào sai, thông tin nào đúng… Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII khẳng định những mặt tốt, mặt tích cực của đảng viên. Theo đó, đa số cán bộ, đảng viên là tốt. Nếu không có đa số đảng viên tốt thì làm sao có Đảng tốt, mà Đảng không tốt thì làm sao lãnh đạo được công cuộc đổi mới, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Tuy nhiên, vẫn có một số ít đảng viên chưa tốt, còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm. Nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII đã chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm của một bộ phận đảng viên và chỉ ra một số nguyên nhân. Một trong số nguyên nhân phải kể đến là do công tác giáo dục chính trị tư tưởng một số nơi chưa được làm tốt, một số đảng viên lơ là, thiếu tu dưỡng rèn luyện.
Vì vậy, trọng tâm của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay là phải đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước; làm rõ những cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới. Thêm vào đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của cơ quan các cấp đối với công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch. Tiếp đến, cần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; trong đó chú trọng đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng.
Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 22/9/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2021-2025”. Nghị quyết xác định mục tiêu:
Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, gắn bó mật thiết với Nhân dân; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, nhất là cấp ủy viên cơ sở, xây dựng đội ngũ cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng, nhân sinh quan cách mạng cho đảng viên. Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên. Quan tâm phát triển đảng viên là thanh niên, công nhân, trí thức, doanh nhân để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp.
Nghị quyết số 07-NQ/TU và Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII triển khai thực hiện là sự vận dụng các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong việc đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho đảng viên, cán bộ được tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng, quan tâm, đẩy mạnh. Đội ngũ cán bộ đảng viên có trình độ, năng lực, không chỉ góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
Văn Hưng