Cập nhật: 19/05/2025 21:29:00
Xem cỡ chữ

Cuộc đời hoạt động đầy gian lao, thử thách cùng ý chí, nghị lực phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là đề tài khơi nguồn cảm hứng sáng tạo để lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Vũ Thị Khiêm ở thôn Đồng Dừa, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô đã luôn học tập và noi gương Bác, dành trọn tâm sức để bảo vệ, chăm sóc, giữ rừng cho đàn cò hàng vạn con có nơi trú ngụ.

Sống trong căn nhà cấp 4 nằm giữa khoảnh rừng cây cổ thụ yên tĩnh. Dù đã bước sang tuổi 84 nhưng ngày ngày bà Vũ Thị Khiêm vẫn đều đặn ra khu rừng, ngắm nhìn đàn chim bay về khi ánh hoàng hôn dần buông xuống.

Bà Khiêm duyên nợ với rừng từ thuở tóc còn xanh. Tưởng chừng cuộc sống như được an bài, vui vầy với thiên nhiên, cây cỏ, nhưng éo le thay, hai mươi tư tuổi, sau sáu năm kết hôn, bà Khiêm đau xé lòng khi nhận giấy báo tử người chồng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Từ đó, mẹ góa con côi, hai người con thơ dại ngơ ngác bên nách người mẹ trẻ.

Năm 1985, người cha kính yêu của bà cũng qua đời. Như một duyên nợ định sẵn, “gia tài” cha, chồng, anh em để lại là cả một cánh rừng gần sáu héc ta “đè” nặng lên đôi vai người phụ nữ mảnh mai ấy. bà Khiêm đã làm gì để không phụ lòng những người đã không tiếc máu xương vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì truyền thống gia đình, vì những điều người cha đã dặn lại: Cha chỉ gây dựng, các con, các cháu hãy "tạo tác" để mỗi thước đất có thêm nhiều cây, ngày càng trở nên tươi tốt hơn. Nhớ lời dặn của cha, dưới bàn tay tạo tác và chăm chút của bà Vũ Thị Khiêm cùng con, cháu, nhiều loại cây mới được trồng, để rồi, đất không phụ lòng người, trả lại một màu xanh bạt ngàn của cây cối.

Hơn bảy mươi năm qua, chưa lúc nào bà Khiêm quên bất kỳ một cây nào trong vườn, chúng lớn lên, sinh con rồi “hóa kiếp”. Nhắc đến rừng cây là nhắc đến cả một cuộc đời khốn khó, gập gềnh, ẩn chứa bao kỷ niệm vui, buồn theo bà đến tận bây giờ. Coi cây, lá, hoa… như một phần cơ thể mình nên nhiều cây cổ thụ đã chết khô trong vườn mà bà cũng không mảy may nghĩ đến việc cho đốn hạ. Rừng, rồi huyền diệu hơn nữa, đàn cò khắp nơi quần tụ trong “chiếc võng thiên nhiên”, lâu dần đã trở thành hơi thở, nhịp đập trong trái tim bà.

Hiện nay, khu rừng xanh tươi nơi đàn chim làm tổ của gia đình bà Vũ Thị Khiêm có diện tích gần 7ha với khoảng trên 1.000 cây bao gồm gỗ dổi, mít, sưa, lát, nhãn, lim, cây cọ và hơn 1.400 bụi tre, nứa. Có những cây cổ thụ cao đến 40m, gốc hai người ôm mới xuể. Đặc biệt, khu rừng này thường xuyên có hàng vạn con chim trú ngụ, nhiều nhất là loài cò với đủ loại: Cò trắng, cò vằn, cò ngà, cò bợ, cò tum, cò cổ rắn, cò quăm, bồ nông, diệc xám, cốc đế, cùng nhiều loại chim quý hiếm. Các nhà khoa học đặt tên khu rừng này là “Vườn cò Hải Lựu”. Bà Khiêm kể: “Ban đầu chỉ lác đác vài chục con, dần dần chúng sinh sôi nảy nở và chim, cò từ nơi khác cũng theo về trú ngụ”:

Coi những đàn cò là “của trời” mà tạo hóa ban tặng, từ nhỏ đến bây giờ, bà Vũ Thị Khiêm đã cùng gia đình gìn giữ tận tâm, không bao giờ bắt chúng và tâm niệm phải giữ bằng được báu vật này. Có những lúc cuộc sống quá khó khăn nhưng bà chưa bao giờ nghĩ đến việc bán đi dù chỉ là 1 con cò. Với bà đàn cò giống như những đứa cháu của mình, luôn bên cạnh, và cần bà chăm sóc.

Câu chuyện dành cả cuộc đời để bảo vệ rừng cây, bảo vệ đàn cò của bà Vũ Thị Khiêm lan tỏa đến rất nhiều người trên cả nước. Nhận rõ giá trị của vườn cò, nhiều năm trở lại đây, tỉnh đã hỗ trợ làm đường, xây dựng hàng rào và biển chỉ dẫn vào khu vực Vườn cò nhằm bảo vệ, bảo tồn khu du lịch sinh thái hấp dẫn này. Đồng thời, huyện Sông Lô cũng dành nguồn kinh phí hằng năm chuyển về gia đình để bà trông nom, bảo vệ vườn cò. Xã Hải Lựu hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ vườn cò của gia đình bà Vũ Thị Khiêm.

Hầu hết, nguồn kinh phí được hỗ trợ, bà Vũ Thị Khiêm cũng dành dụm để mua và trồng bổ sung thêm cây mỗi năm để vườn cây xanh tốt, là nơi an toàn cho đàn chim trở về. Khu vườn của bà Khiêm đã trở thành ngôi nhà ấm áp của loài chim. Lòng nhân từ của bà Vũ Thị Khiêm đã làm thay đổi nhận thức cho các thế hệ thanh niên địa phương để họ thêm yêu động vật hơn, cùng ra sức giữ gìn vườn cò quý giá này.

Là đảng viên 55 năm tuổi đảng, suốt một đời tận tụy, tâm huyết với công việc của địa phương; cả đời lăn lộn với rừng, với đàn cò, quyết không để rừng, để đàn cò bị xâm hại, suy kiệt. Bà được mọi người yêu quý, nể phục, là một tấm gương sáng trong học tập và làm theo gương Bác Hồ.

Với những cống hiến trong công tác bảo vệ môi trường, bà Vũ Thị Khiêm được UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các bộ, ngành trao tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương, giải thưởng môi trường. Đặc biệt, năm 2024, bà Vũ Thị Khiêm vinh dự là một trong 25 điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Chương trình Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng được Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao Giấy chứng nhận và Kỷ niệm chương. Đây là niềm vinh dự, tự hào mà bà Vũ Thị Khiêm chưa bao giờ nghĩ tới.

Chiến tranh và thời gian đã lấy đi nhiều thứ của bà Khiêm nhưng không thể lấy được đức hạnh và sức mạnh tinh thần, ý chí, nghị lực của người vợ liệt sĩ có thân hình mảnh mai, dành cả cuộc đời gắn bó với “Vườn cò Hải Lựu”. Hiện bà Khiêm đã ở tuổi “gần đất xa trời”, nhưng vẫn “lặn lội thân cò” để giữ rừng, bảo vệ đàn chim trời hàng vạn con, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Bà như "người bảo mẫu vĩ đại của Vườn cò Hải Lựu”. Suy nghĩ và việc làm của bà đã cảm hóa rất nhiều người trong việc tự giác, tự nguyện bảo vệ rừng và những loài chim, thú tự nhiên, góp phần gìn giữ môi trường thiên nhiên trong lành, bền vững.

Thúy Hơn