Đẩy mạnh cải cách hành chính được xác định là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh Cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và coi đây là chìa khóa nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy KT-XH trên địa bàn phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.800 thủ tục hành chính được công khai, kết nối, tích hợp, đồng bộ hóa trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh, trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh và niêm yết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Việc công khai, minh bạch 100% các thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng thuận tiện.
Quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến được liên thông và công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Vì vậy, trong khi thủ tục hành chính đang được giải quyết, người dân có thể chủ động và dễ dàng theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua Cổng dịch vụ công tỉnh, trên Zalo và các ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả của cải cách hành chính”, thời gian qua, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường công tác tuyên truyền về Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Cổng dịch vụ công Bộ Công an đã cung cấp 126 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và Cổng dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp, cung cấp 30 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh Vĩnh Phúc. Đặc biệt trong đầu tháng 8, Công an tỉnh đã triển khai cấp Hộ chiếu trực tuyến cho người dân, bước đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn song đã mang lại nhiều kết quả, nhận được sự phản hồi tích cực của người dân.
Trong năm 2022, Công an tỉnh đã tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà” với mục tiêu hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chíp cho toàn bộ người dân. Từ ngày 26/3 - 31/8, Công an tỉnh đã tiếp nhận hơn 92.400 hồ sơ đề nghị cấp CCCD gắn chíp và tài khoản định danh điện tử, và tới đây khi sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực vào ngày 31/12/2022 thì với việc sử dụng căn cước công dân gắn Chíp được tích hợp các thông tin sẽ là giấy tờ để công dân thực hiện giao dịch nhanh chóng thuận lợi và an toàn.
Một điểm nhấn của Vĩnh Phúc trong thời gian qua, đó là lần đầu tiên Vĩnh Phúc vươn lên đứng vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố, dẫn đầu cả nước trong Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX năm 2021. Kết quả này góp phần không nhỏ giúp Vĩnh Phúc tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, nâng cao năng lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Thời gian qua, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa quốc gia” và cơ chế “một cửa ASEAN”. 100% tờ khai XNK hàng hóa của doanh nghiệp đã được khai báo qua hệ thống thông quan tự động, không còn tình trạng các doanh nghiệp phải chờ đợi để nộp và kê khai thuế. Bên cạnh đó, với cơ chế một cửa Asean sẽ giúp doanh nghiệp được cấp chứng nhận xuất xứ liên quan trong hệ thống 9 nước Asean.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã triển khai hàng chục giải pháp, sáng kiến CCHC. Trong đó, có nhiều giải pháp, sáng kiến mang tính ứng dụng cao, được nhân rộng như: Sáng kiến ứng dụng phần mềm Zalo trong việc tra cứu, thông báo tình trạng giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp; giải pháp thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng hình thức quét mã QR tại quầy, tích hợp đa dạng dịch vụ thanh toán của các ngân hàng, ví điện tử, trung gian thanh toán, giúp các tổ chức, cá nhân thao tác thanh toán nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện và không mất phí giao dịch như hình thức chuyển khoản truyền thống; hệ thống chatbot trả lời tự động các câu hỏi, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính trên nền tảng Zalo, Facebook và Cổng Dịch vụ công tỉnh.
Triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là một trong những nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến 2 chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Để việc triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đạt hiệu quả cao hơn, góp phần nâng hạng chỉ số PCI của tỉnh, thời gian tới, các cơ quản lý Nhà nước, các cấp có thẩm quyền tiếp tục tập trung triển khai nâng cấp hạ tầng, nền tảng dùng chung; thường xuyên rà soát hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, kịp thời nâng cấp, trang bị mới các thiết bị cần thiết để duy trì việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với các đơn vị cấp xã.
Song song với đó, các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Xây dựng kênh tương tác cho phép người dân và doanh nghiệp đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết thủ tục hành chính./.
Vũ Hằng