Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Để thực hiện thành công nhiệm vụ trên, cùng với việc phát triển hạ tầng số, nền tảng số, tỉnh đang chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho chuyển đổi số.
Bộ phận một cửa UBND Xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân. Triển khai xây dựng chính quyền điện tử và bắt tay vào chuyển đổi số đồng nghĩa với việc mọi thủ tục hành chính sẽ giải quyết trên môi trường mạng. Thế nhưng, hiện nay, xã không có công chức chuyên trách về công nghệ thông tin. Vì thế, khi xảy ra những sự cố, xã đều phải nhờ cấp trên hoặc thuê đơn vị làm dịch vụ đến can thiệp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính của địa phương.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay toàn tỉnh có 87 cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyên trách hoặc phụ trách CNTT ở các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Trong đó, 8 người có trình độ thạc sĩ, 73 người có trình độ Đại học và 6 người trình độ Cao đẳng. Nhằm đảm bảo cho việc triển khai các ứng dụng tại cơ quan, đơn vị, địa phương, hằng năm, Sở TT&TT tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT và trang bị kỹ năng khai thác, sử dụng các hạ tầng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức.
Để khắc phục những hạn chế về nguồn nhân lực của tỉnh, phục vụ chuyển đổi số, Sở TT&TT đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực CNTT; xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng số, đảm bảo an toàn thông tin số cho cán bộ, công chức, viên chức và các chương trình đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách, phụ trách CNTT để hình thành đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực tham gia thực hiện chuyển đổi số./.
Vũ Hằng