Vài năm gần đây, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trở thành điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng nổi bật, thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài. Ðiều cốt lõi khiến du lịch Pù Luông được đánh giá cao là nỗ lực gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan, các giá trị văn hóa và nếp sống của đồng bào các dân tộc địa phương.
Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái ở Pù Luông.
Thiên đường giữa đại ngàn
Ðó là mỹ từ mà nhiều du khách dành cho Pù Luông khi chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm du lịch trên mạng xã hội. Và quả thật, khi đã được trải nghiệm, tôi cảm thấy Pù Luông thật sự xứng đáng. Ðến bản Ðôn (xã Thành Lâm)-nơi được coi như “trái tim” của quần thể du lịch Pù Luông, vào một ngày mùa thu trước thời điểm lúa chín vài tuần, tôi cùng đồng nghiệp hết sức ấn tượng trước tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang xanh tươi, tỏa hương thơm dịu, ôm lấy những nếp nhà sàn mộc mạc ven đường.
Thấy khách trầm trồ, xuýt xoa, anh Hà Văn Ðính, lái xe người bản địa, đi chậm lại để chúng tôi ngắm lâu hơn. Anh Ðính sinh ra và lớn lên ở bản Ðôn, từ năm 2018 bắt đầu chuyên chạy xe hợp đồng, đưa đón khách tham quan Pù Luông, trong khi vợ anh làm nhân viên cho một homestay trong bản. Chứng kiến mọi sự đổi thay từ khi du lịch chạm tới vùng đất này, anh kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị. Gia đình anh vẫn duy trì nghề nông song song với công việc phục vụ du lịch, bởi chúng hỗ trợ nhau.
Dạo một vòng quanh bản Ðôn, tôi có dịp quan sát các khu nghỉ dưỡng, nhà sàn cộng đồng... nổi tiếng trên các ứng dụng đặt phòng trực tuyến. Hầu hết homestay được xây dựng (hoặc cải tạo) kiểu nhà sàn của người Thái, Mường, cung cấp hai loại phòng nghỉ: phòng tập thể và phòng riêng, với giá trung bình từ 150.000-200.000 đồng/người. Rộng rãi và cao cấp hơn là các khu nghỉ được xếp hạng 3, 4 sao có giá hàng triệu đồng/đêm, nhưng cũng theo lối kiến trúc xanh: nhà bằng gỗ, lợp lá cọ, được dựng lên men theo các triền đồi nhấp nhô, lối đi rải đá cuội, đèn đường đặt trong các trụ gỗ nhỏ tỏa ra ánh sáng vàng ấm áp, vừa đủ nhìn. Không gian mở, ít bê-tông, thân thiện với môi trường, hài hòa với những cánh đồng, với rừng già và núi đá bao quanh.
Chị Alena Morena và anh Leonardo Bertone, một cặp đôi người Thụy Sĩ đã ở bản Ðôn gần một tuần, vừa trở về sau chuyến trekking đỉnh Pù Luông cao 1.700m hào hứng cho biết, sẽ ở lại lâu hơn dự định, bởi quá thích nơi này và còn muốn khám phá thêm một số khu vực lân cận. Tôi không ngạc nhiên, bởi khách du lịch Âu, Mỹ thường rất chuộng du lịch sinh thái, trải nghiệm những nơi hoang sơ và xu hướng này cũng đang gia tăng mạnh ở du khách Việt, đặc biệt là giới trẻ.
Ở bản Ðôn có những nhà nghỉ gần như hòa lẫn với thiên nhiên, bảo đảm tiện nghi cơ bản chứ không có máy điều hòa không khí, ti-vi, tủ lạnh... và đặc biệt không trang bị các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần. Chẳng hạn như Pù Luông Treehouse của chị Lê Thị Phương Dung. Năm 2016, người phụ nữ Hà Nội từng du lịch nhiều quốc gia trên thế giới đã chọn một ngọn đồi nhỏ ở bản Ðôn để xây dựng một cụm nhà trên cây dân dã và độc đáo, có bể bơi với nguồn nước được dẫn trực tiếp từ dòng suối bên cạnh. Toàn bộ nhân viên dọn phòng, đầu bếp, hướng dẫn viên đưa khách đi trekking... của cơ sở này là dân địa phương, được đào tạo tiếng Anh và nhiều kỹ năng. Việc làm ổn định, thu nhập được cải thiện, lại có cơ hội giới thiệu nét đẹp quê hương mình tới nhiều người khác, họ không giấu niềm vui và tự hào.
Ðược biết, ở Pù Luông còn có khá nhiều khu nghỉ sinh thái do người nơi khác đến đầu tư, quản lý, phần lớn là người Hà Nội, như Lụa Pù Luông của chị Nguyễn Thị Lụa, Jungle Lodge Pù Luông của anh Bùi Việt Anh... Nắm bắt được nhu cầu du lịch sinh thái cộng đồng và cũng rút được bài học từ “vết xe đổ” của nhiều khu du lịch miền núi khác, họ hiểu giá trị lâu dài của việc tôn trọng thiên nhiên và tạo sinh kế cho cư dân bản địa sẽ góp phần mang đến hiệu quả bền vững.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông rộng khoảng hơn 17.000ha, có hệ động, thực vật phong phú và rừng nguyên sinh vùng lõi được bảo tồn nghiêm ngặt. Không chỉ bản Ðôn, các bản làng tại Pù Luông đều phát triển mạnh hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng khoảng 5 năm gần đây, phổ biến nhất là homestay (chỗ nghỉ nhà dân), phần lớn nằm tại các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niệm... Những thửa ruộng bậc thang trải dài khắp các thung lũng tạo khung cảnh đẹp mắt quanh năm, từ mùa đổ ải, mùa mạ non, mùa lúa xanh, mùa lúa vàng.
Với những tán rừng xanh um và hệ thống hang động, suối, thác, Pù Luông rất phù hợp các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên hoang dã như đi bộ, đạp xe, leo núi, chèo thuyền, tắm thác... Bên cạnh đó là bản sắc văn hóa lâu đời và đậm đà của đồng bào Thái, Mường vùng thượng nguồn sông Mã, từ phiên chợ Phố Ðòn rực rỡ muôn mầu thổ cẩm cho đến những điệu múa xòe, hát lượn, nhảy sạp duyên dáng, hay những món ăn truyền thống tươi ngon hấp dẫn. Những yếu tố đó tạo nên tính ổn định và là lợi thế lớn cho du lịch khi không phụ thuộc nhiều vào mùa vụ.
Phụ nữ ở xã Thành Lâm (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông) giới thiệu với du khách các sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công.
Hướng tới du lịch bền vững
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong chín tháng đầu năm 2022 huyện Bá Thước đón 60.452 lượt khách du lịch, tăng 144% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế 3.201 lượt. Còn theo một báo cáo mới đây của Ủy ban nhân dân huyện Bá Thước, Khu du lịch Pù Luông hiện có 73 cơ sở lưu trú, công suất đón khách đạt hơn 1.200 lượt khách/ngày đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương.
Ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bá Thước, nhận định: “Khách đến với Pù Luông phần lớn đều muốn tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa, khám phá cảnh quan thiên nhiên, kết hợp nghỉ dưỡng. Do vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch thực hiện hoạt động khảo sát, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, định hướng xây dựng sản phẩm phù hợp trong những tháng cuối năm. Trong đó, tập trung phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe như tắm lá, trị liệu thảo dược; tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, khám phá văn hóa bản địa”.
Cuối tháng 8 vừa qua, huyện đã phối hợp Khoa Quản trị Du lịch (Trường đại học Hà Nội) và tổ chức GRET (Pháp) mở lớp tập huấn về du lịch sinh thái và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch Pù Luông cho 34 chủ cơ sở lưu trú cộng đồng trên địa bàn. Với tiềm năng, thế mạnh phong phú, Pù Luông đã và đang là mục tiêu của nhiều dự án cộng đồng như “Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và trồng dược liệu trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, giai đoạn 2022-2030”, hay “Tăng cường và phát triển năng lực hành động cho phụ nữ dân tộc thiểu số nhằm phát triển sinh kế và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, giai đoạn 2021-2023”...
Thời gian qua, để tiết kiệm quãng đường và thời gian di chuyển, vừa giảm chi phí và gia tăng thời gian lưu trú, trải nghiệm cho du khách, nhiều đơn vị lữ hành cũng đã nhanh nhạy xây dựng các tour tuyến du lịch mang tính liên kết, bởi từ Pù Luông kết nối với quần thể danh thắng Tràng An-Ninh Bình chỉ khoảng 100km, với thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn 120km, với các điểm du lịch cộng đồng Mai Châu (Hòa Bình) và Mộc Châu (Sơn La) chừng 40-100km, với Thủ đô Hà Nội khoảng 170km...
Dự kiến, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông sẽ diễn ra một sự kiện thể thao, quảng bá du lịch mang tầm quốc tế và được mong chờ. Ðó là giải chạy Marathon băng rừng Việt Nam (Vietnam Jungle Marathon), khai màn vào ngày 15/10. Ðược Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp Topas Travel (Hà Nội) tổ chức liên tục từ năm 2017 (trừ năm 2021 do dịch Covid-19), giải thu hút hàng nghìn vận động viên chuyên nghiệp và không chuyên, du khách trong nước và quốc tế.
Theo Ban tổ chức, năm nay số lượng vận động viên quốc tế đăng ký tăng cao hơn so với giải lần gần đây nhất vào năm 2020, qua đó đã khẳng định sức hút của vẻ đẹp Pù Luông, cũng như thương hiệu của giải. Ông David Lloyd, đại diện Topas Travel chia sẻ: “Tôi đến Pù Luông lần đầu năm 2014 và nhận thấy ngay những con đường mòn đủ sức mang đến cho người chạy cảm giác phiêu lưu và thăng hoa. Một nơi xa xôi nhưng đẹp như tranh vẽ, thích hợp với giải Marathon băng rừng Việt Nam”.
Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Pù Luông không chỉ có những thành quả, những mặt tích cực. Ở chiều ngược lại, tình trạng chiếm dụng đất và xây dựng trái phép cũng diễn ra, đòi hỏi chính quyền địa phương vào cuộc xử lý nghiêm. Cơ sở vật chất lưu trú và dịch vụ ăn uống tuy được nâng cao cả số lượng và chất lượng, nhưng lại chưa có quy hoạch dài hạn về xử lý rác thải, bảo vệ nguồn nước.
Lực lượng hướng dẫn viên, lao động phục vụ trực tiếp còn nhiều hạn chế để hướng tới chuyên nghiệp, như kém về ngoại ngữ, công nghệ; một số hoạt động tự phát, chẳng hạn như leo núi, tiềm ẩn những rủi ro mà chưa có quy chế quản lý; thông tin chính thống giới thiệu, quảng bá đến du khách còn sơ sài, ít cập nhật... Mặc dù Pù Luông vẫn đang ghi dấu ấn tốt đẹp nhưng khó có thể khẳng định sức hấp dẫn ấy duy trì được bao lâu. Bởi thế, du lịch Pù Luông vẫn cần rất nhiều sự quan tâm và các giải pháp đồng bộ, kịp thời, để tiếp tục là “nam châm” hút khách đến với miền tây Thanh Hóa.
Theo Bài và ảnh: HOÀNG MỸ HẠNH/nhandan.vn
https://nhandan.vn/pu-luong-suc-hut-mien-dat-nguyen-so-post718817.html