Trong xu thế chung của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Chính phủ đề ra, Kho bạc Nhà nước Vĩnh Phúc đang tập trung xây dựng kho bạc điện tử, tiến tới kho bạc số với mục tiêu 3 không: không khách hàng đến giao dịch, không tiền mặt và không chứng từ giấy.
Đến nay bước đầu Kho bạc Nhà nước đã hình thành quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước. Cùng với việc triển khai quy trình liên thông, kết nối 3 hệ thống gồm: dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin quản lý ngân sách TABMIS và thanh toán song phương điện tử, mới đây nhất, Kho bạc Nhà nước Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai Chương trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua Kho bạc Nhà nước, qua đó góp phần chuẩn hóa dữ liệu từ phía đơn vị sử dụng ngân sách, tạo điều kiện để đơn vị giao dịch rút ngắn thời gian phải tác nghiệp thủ công trên nhiều ứng dụng tại đơn vị và dịch vụ công trực tuyến.
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Kho bạc Nhà nước Vĩnh Phúc triển khai thực hiện bản “Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới Kho bạc số”. Bản quy hoạch kiến trúc tổng thể có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống Kho bạc Nhà nước theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị, tổ chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và là “nền móng” để hệ thống Kho bạc Nhà nước tiến nhanh đến kho bạc số vào năm 2030.
Để tiến tới hình thành kho bạc số (kho bạc 3 không: không khách hàng đến giao dịch, không tiền mặt và không chứng từ giấy), Kho bạc Nhà nước Vĩnh Phúc sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm chế độ kiểm toán nội bộ; tập trung nâng cao chất lượng giao dịch điện tử; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Kho bạc. Từ đó, mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần quản lý ngân sách Nhà nước an toàn, minh bạch, hiệu quả./.
Phương Liên