Chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Da Liễu TPHCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến dạng cơ thể nặng nề vì sập bẫy quảng cáo các loại thuốc điều trị vảy nến trên mạng.
Ông P.N.T. (64 tuổi, ngụ Phú Yên) đến Bệnh viện Da Liễu TPHCM cầu cứu trong tình trạng da toàn thân bong tróc, rỉ dịch 2 chân kèm sưng to và đau nhức nhiều các khớp ngón tay, ngón chân, khớp gối… làm việc di chuyển khó khăn.
Khai thác bệnh sử, ông T. cho biết bị vảy nến nhiều năm nay nhưng trước đây chỉ khô và tróc vảy nhẹ một ít da. Cách đây 8 tháng, ông đọc được thông tin trên mạng có loại thuốc "trong uống ngoài bôi" chấm dứt vảy nến, nên đặt mua sử dụng. Hai mươi ngày đầu uống thấy bình thường, tuy nhiên sau đó, vảy nến của bệnh nhân bùng phát và gây đau đớn dữ dội.
Người đàn ông bệnh vảy nến bị bong tróc da nặng nề (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
"Lo sợ, tôi gọi điện cho người bán thì họ bảo sau khi sử dụng, vảy nến bùng lên thì mới tốt, nên tôi tiếp tục dùng. Nhưng vảy nến cứ rụng nhiều đến nỗi ngày gom được cả chén vảy, da mưng mủ, rỉ dịch, tiếp đó các khớp tay, chân, gối... sưng đỏ đau nhức... chịu không nổi nữa" - bệnh nhân kể.
Một trường hợp khác là chàng trai tên L.H.N. (18 tuổi, sống tại huyện Bình Chánh, TPHCM) nhập viện trong tình trạng da đỏ và tróc vảy toàn thân, da lưng rạn nứt, người mệt mỏi, ớn lạnh… Bệnh nhân cho biết bị vảy nến khoảng 1 năm nay, gần 2 tháng trước có xem quảng về loại thuốc trị dứt vảy nến trên mạng nên đặt mua 3 hộp, giá gần 2 triệu đồng.
Sử dụng hết 3 hộp thuốc, tình trạng vảy nến của bệnh nhân có thuyên giảm. Nhưng sau khi ngưng thuốc được 5 ngày, bệnh của N. lại bùng phát dữ dội và làm sức khỏe suy giảm.
Bác sĩ thoa thuốc điều trị vảy nến cho nữ bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Trưởng khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, thời gian gần đây nơi này tiếp nhận nhiều trường hợp bị vảy nến nặng, do người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc được quảng cáo trên mạng.
Rộng hơn, mỗi năm Bệnh viện Da Liễu TPHCM khám và điều trị cho hơn 52.000 lượt bệnh nhân vảy nến, trong đó có rất nhiều ca nhập viện điều trị do sử dụng các loại thuốc uống, thuốc thoa, tiêm không rõ nguồn gốc.
Bác sĩ Hoàng phân tích, đa phần các loại thuốc uống, thuốc thoa bán trôi nổi có chứa thành phần kháng viêm như corticosteroid, nên khi mới sử dụng da sẽ láng mịn, nên bệnh nhân tin tưởng dùng tiếp. Tuy nhiên khi ngưng thuốc, bệnh sẽ diễn tiến nặng, khiến da toàn thân bệnh nhân tróc vảy, đi kèm với mụn mủ, sưng đau biến dạng các khớp tay chân không hồi phục được.
Tự ý uống thuốc mua trên mạng có thể khiến bệnh nhân vảy nến bị biến chứng nặng nề (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Với trường hợp dừng việc tự ý uống thuốc sớm, nhập viện điều trị kịp thời như bệnh nhân P.N.T., các tổn thương trên da đã giảm nhiều và các khớp tay, chân, đầu gối đang cải thiện dần.
Bác sĩ khẳng định, bệnh vảy nến hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn, nên việc quảng cáo nói có thuốc điều trị dứt điểm là sai sự thật. Dù vậy, vẫn có nhiều loại thuốc uống, thuốc thoa giúp cải thiện tình trạng bệnh đáng kể. Đặc biệt, thuốc sinh học có khả năng khống chế bệnh vảy nến gần như hoàn toàn.
Để điều trị đúng cách, tránh các tai biến xảy ra, bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng khuyến cáo, người bệnh vảy nến không nên nghe theo những lời quảng cáo hấp dẫn, tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không có chỉ định của bác sĩ. Nếu bệnh nhân vảy nến bị tổn thương da quá nhiều có thể gây ra nhiễm trùng huyết, với nguy cơ tử vong cao.
"Bệnh nhân vảy nến cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu, tái khám thường xuyên để được bác sĩ kiểm soát, giúp bệnh nhân sống và sinh hoạt bình thường" - bác sĩ Hoàng nói.
Theo Hoàng Lê/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-sap-bay-quang-cao-thuoc-hang-loat-benh-nhan-bien-dang-co-the-20221124112746330.htm