Trong báo cáo công bố ngày 23/11, WHO và CDC Mỹ cho biết hàng triệu trẻ em hiện dễ bị mắc bệnh sởi, một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới.
Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em tại Kabul, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết miễn dịch phòng bệnh sởi giảm mạnh kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, dẫn đến con số cao kỷ lục gần 40 triệu trẻ em bỏ lỡ 1 mũi vaccine sởi vào năm ngoái.
Trong báo cáo công bố ngày 23/11, WHO và CDC Mỹ cho biết hàng triệu trẻ em hiện dễ bị mắc bệnh sởi, một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới.
Năm 2021, thế giới ghi nhận khoảng 9 triệu ca mắc sởi và 128.000 ca tử vong vì căn bệnh này.
WHO và CDC lưu ý tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh sởi đã liên tục giảm, công tác theo dõi căn bệnh này còn kém và các kế hoạch ứng phó bị trì hoãn do dịch COVID-19, cùng với các đợt bùng phát dịch đang diễn ra tại hơn 20 nước, đã khiến sởi trở thành "mối đe dọa cận kề" tại tất cả các khu vực trên thế giới.
Các nhà khoa học ước tính rằng ít nhất 95% dân số cần được tiêm vaccine để chống lại các dịch bệnh.
Trong khi đó, WHO và CDC Mỹ thông báo chỉ khoảng 81% trẻ em đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng sởi, trong khi 71% đã tiêm mũi thứ 2, đánh dấu độ bao phủ vaccine phòng bệnh sởi toàn cầu thấp nhất kể từ năm 2008.
Giám đốc CDC Mỹ, Tiến sỹ Rochelle Walensky cho biết số trẻ em chưa được tiêm đủ liều vaccine và dễ bị mắc sởi cao kỷ lục cho thấy hệ miễn dịch bị suy giảm mạnh trong thời gian bùng phát dịch COVID-19.
Sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus sởi làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến con người dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi và tiêu chảy.
Do đó, bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh hay xảy ra vào mùa Đông-Xuân, có thể xuất hiện ở người lớn chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ. Phần lớn số ca tử vong liên quan đến sởi là do biến chứng như viêm não và mất nước.
WHO cho biết các biến chứng nghiêm trọng nhất thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 30 tuổi.
Trong nhiều năm qua, vaccine phòng sởi đã giúp ngăn ngừa hiệu quả những rủi ro nói trên và giảm số ca mắc trên toàn cầu. Việc tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng sởi đạt hiệu quả khoảng 97% trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Tuy nhiên, đến năm 2016, xu hướng này đã đảo ngược khi tâm lý e ngại tiêm vaccine gia tăng do thông tin sai lệch tràn lan và niềm tin vào các cơ quan y tế công giảm sút.
Năm 2019, số ca mắc sởi trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 23 năm, khiến 200.000 người tử vong, trong đó có cả ở những nước từng “xóa sổ” được căn bệnh này.
Cộng hòa Dân chủ Congo là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với hơn 6.000 ca không qua khỏi.
Theo Thúc Anh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/who-canh-bao-nguy-co-bung-phat-dich-soi-tren-toan-the-gioi/832118.vnp