Nghe tin tình trạng chồng đã "9 phần chết", người phụ nữ cố nén đau đớn sang Campuchia trong đêm để đưa chồng về Việt Nam cấp cứu. Nhờ vậy, phép màu đã xảy ra.
Ông H.V.D. (59 tuổi) làm kinh doanh, thường xuyên công tác tại Campuchia. Đầu tháng 11, đang làm việc tại nước bạn, ông bỗng mờ mắt, khó thở, tiểu tiện tại chỗ trong vô thức, mồ hôi chảy như tắm.
Thấy tình hình bất ổn, ông D. cố gắng gọi người đưa đi cấp cứu. Tại một bệnh viện ở Campuchia, các bác sĩ ghi nhận huyết áp ông tụt thấp, tình trạng sức khỏe chuyển biến rất nặng, nên cho truyền dịch nâng huyết áp cầm cự, trong khi đợi người nhà từ Việt Nam sang.
Ông H.V.D. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Ngay trong đêm, bà Y. (vợ ông D.) lên máy bay qua Campuchia. 6h sáng hôm sau khi người vợ đến nơi, huyết áp ông D. chỉ còn ở mức 90/80mmHg (bình thường là 120/80 mmHg). Nghe bác sĩ nhận định chồng nguy kịch, chỉ còn "1 phần sống, 9 phần chết", mẹ con bà Y. suy sụp.
Nhớ lại cách đây vài năm, gia đình từng có 2 người qua đời nghi do đột quỵ và tai biến mạch máu não, bà Y. quyết định đưa chồng về TPHCM điều trị. Trên đường xe cấp cứu chạy về quê hương, người vợ vừa rơi nước mắt, vừa nắm tay cầu nguyện cho chồng tai qua nạn khỏi.
10h30 cùng ngày, xe cấp cứu từ Campuchia về đến bệnh viện TPHCM. Bác sĩ Đoàn Quốc Anh, người tiếp nhận ông D. tại Việt Nam chia sẻ, thời điểm này bệnh nhân đã trong tình trạng khó thở, vã mồ hồi, nét mặt tái xanh, chỉ số SpO2 (mức độ bão hòa oxy trong máu) giảm còn 89%, có dấu hiệu suy hô hấp nặng, nguy kịch tính mạng.
Bệnh nhân được tiến hành chụp CT-scan, kết quả ghi nhận bị thuyên tắc phổi do huyết khối cấp gây tắc gần hoàn toàn các động mạch ở phổi. Rất nhanh chóng, ông D. được dùng thuốc kháng đông và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực (ICU).
Ảnh chụp CT ghi nhận bệnh nhân bị thuyên tắc phổi nặng (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy, Trưởng khoa Hồi sức tim mạch của bệnh viện, đánh giá bệnh nhân đã suy hô hấp tuần hoàn. Nếu không can thiệp bằng tiêm thuốc tiêu sợi huyết, ông D. sẽ tử vong.
Cả ekip trực gồm bác sĩ và điều dưỡng khẩn trương khởi động máy móc theo dõi, chuẩn bị thuốc và truyền thuốc tiêu sợi huyết cho ông D. Chỉ 3 phút sau, ông D. thở bình thường trở lại một cách ngoạn mục, dần dần nói chuyện không ngắt quãng, được giảm dần và tiến đến ngưng thuốc trợ tim.
Khi nghe bác sĩ thông báo tình trạng ông D. tạm thời ổn định, mẹ con bà Y. vỡ òa. Sau 24 giờ theo dõi, ông D. không xuất hiện biến chứng, được tiếp tục truyền thuốc kháng đông, sau đó điều chỉnh sang thuốc viên. Trên giường bệnh, ông D. hiện đã có thể xem tivi và trò chuyện cùng người thân.
Nhờ được vợ đưa về Việt Nam điều trị khẩn cấp, bệnh nhân thoát chết ngoạn mục (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Các bác sĩ điều trị cho ông D. chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hình thành huyết khối, gây thuyên tắc phổi như: rối loạn đông máu, ngồi hay nằm lâu một chỗ, dùng thuốc ngừa thai…
Với trường hợp của ông D., do bệnh nhân thường xuyên di chuyển bằng máy bay nên phải ngồi lâu một chỗ, ít vận động nên dễ hình thành cục máu đông. Ngoài ra, gia đình ông từng có người đột quỵ, tai biến mạch máu não nên cần tầm soát yếu tố di truyền, đánh giá yếu tố đông máu.
Dù đã được cứu sống, bác sĩ khuyên ông D. sau khi xuất viện nên vận động nhẹ nhàng, đi bộ thường xuyên và không làm việc gắng sức. Khi ngồi trên máy bay, cứ mỗi 30-60 phút nên đi lại lòng vòng hoặc cử động chân.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyên những nhóm người có yếu tố nguy cơ thuyên tắc phổi cần chú ý tầm soát bệnh, gồm: phụ nữ dùng thuốc ngừa thai; người làm việc văn phòng, đi máy bay đường dài, ít vận động, hút thuốc lá; người bệnh tim mạch, béo phì; tiền sử gia đình có người bị đột quỵ, tai biến mạch máu não…
Theo Biên Thùy/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/5-tieng-dua-nguoi-dan-ong-9-phan-chet-tu-campuchia-ve-tphcm-cuu-mang-20221203173917231.htm