Theo các bác sỹ, viêm não và viêm màng não xảy ra quanh năm, tỷ lệ di chứng cao trên 30% nếu nhập viện muộn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Bác sỹ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, khám cho bệnh nhi viêm màng não. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Những ngày qua, hai bệnh viện nhi đồng tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh là Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tiếp nhận nhiều trẻ em mắc viêm não, viêm màng não.
Các bác sỹ cảnh báo phụ huynh cần tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh cho con, đồng thời giữ gìn vệ sinh thân thể, môi trường sống, thực hiện ăn chín, uống sôi.
Thấy con trai 10 tuổi sốt cao, li bì, đánh thức khó, nôn ói nhiều, chị Huỳnh Ngọc Dung đã tức tốc đón xe từ Bạc Liêu đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu. Tại đây, sau khi chọc dịch não tuỷ tại thắt lưng, chụp MRI, các bác sỹ kết luận, bệnh nhi bị viêm não.
Bác sỹ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đây là trường hợp điển hình của bệnh viêm não. Ban đầu các triệu chứng của bệnh dễ khiến phụ huynh nhầm với bệnh hô hấp, viêm họng. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi đã đáp ứng tốt với phác đồ, phản ứng nhanh hơn và trả lời được các câu hỏi của bác sỹ.
Tại Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đang điều trị cho 20 bệnh nhi mắc bệnh viêm màng não, 6 ca mắc bệnh viêm não. Đa số các ca bệnh viêm não, viêm màng não có thời gian nằm viện kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 những ngày gần đây cũng có sự gia tăng các bệnh nhi mắc viêm não, viêm màng não nhập viện.
Hiện Khoa Nhiễm của bệnh viện này đang điều trị cho 26 trường hợp viêm màng não, trong khi đó vài tuần trước chỉ có khoảng 10-15 trẻ mắc bệnh lý này phải nhập viện. Trong số 26 trẻ đang điều trị có 3 trẻ bị biến chứng nặng và đều dưới 1 tuổi.
Theo bác sỹ Nguyễn Đình Qui, Quản lý Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi mắc bệnh viêm màng não thường biến chứng rất nhanh khiến phụ huynh không kịp trở tay. Mới đây, một trẻ mới 1,5 tháng tuổi được chuyển từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lên với kết quả viêm màng não mủ. Dù các bác sỹ đã sử dụng kháng sinh mạnh nhưng không đáp ứng điều trị.
Sau đó, bệnh nhi bị biến chứng tụ mủ dưới màng cứng và phải phẫu thuật 2 lần, khoan sọ để bơm rửa và dẫn lưu mủ ra ngoài. Trải qua rất nhiều tuần kiên trì điều trị, trẻ được xuất viện, có biến chứng nhẹ về co giật nhưng không bị yếu liệt.
Theo các bác sỹ, viêm não và viêm màng não xảy ra quanh năm, tỷ lệ di chứng cao trên 30% nếu nhập viện muộn, thậm chí có thể tử vong.
Các di chứng có thể gặp sau khi trẻ vị viêm não, viêm màng não như: bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém...
“Di chứng của bệnh viêm não, viêm màng não rất nặng nề, do đó, phụ huynh, đặc biệt là người mẹ, luôn được dặn dò theo dõi sát tình trạng của con để kịp thời đưa đến bệnh viện,” bác sỹ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, khuyến cáo.
Viêm não, viêm màng não do nhiều nguyên nhân gây ra như virus, vi trùng, ký sinh trùng… Khi trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi và có thêm dấu hiệu li bì, khó đánh thức, nôn ói, bú kém, quấy khóc, phồng thóp… phụ huynh cần nghĩ đến nguy cơ viêm màng não/viêm não.
Với trẻ lớn, đau họng, sốt, nôn ói, đau đầu nhiều là triệu chứng của viêm não, viêm màng não. Những trường hợp này cần được thăm khám sớm để tránh nguy cơ biến chứng.
Hiện nay, một số loại vaccine có thể phòng ngừa được viêm màng não (với tác nhân khác nhau) như vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 (ngừa được viêm màng não do vi khuẩn HiB); vaccine phế cầu; vaccine não mô cầu… Do đó, phụ huynh cần cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vaccine để phòng bệnh.
Ngoài tiêm chủng đầy đủ, phụ huynh cũng cần tuân thủ vệ sinh tay, đeo khẩu trang, vệ sinh thân thể và nơi sinh hoạt, ăn chín uống sôi…
Các bác sỹ cảnh báo từ nay đến cuối năm, ngoài viêm màng não, bệnh thủy đậu cũng có thể sẽ tăng cao, phụ huynh cần cảnh giác đề phòng.
Theo Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/can-can-trong-voi-benh-viem-nao-viem-mang-nao-o-tre-em/834881.vnp