Tại Việt Nam, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng, trong đó tử vong do bệnh mạch máu não chiếm tỷ lệ lớn nhất, với tỷ suất tử vong tăng từ 127,3/100.000 dân (năm 2000) lên 164,9/100.000 dân hiện nay.
Theo số liệu thống kê trong báo cáo EvoHealth White Paper on ASCVD in Vietnam, năm 2019 có 2,4 triệu người mắc các bệnh tim mạch trong đó 65% là bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong với tỉ lệ rất cao trên bệnh tim do thiếu máu cục bộ và đột quỵ nhồi máu não.
Xơ vữa động mạch ảnh hưởng phần lớn tới dân số lao động ở Việt Nam với 49% bệnh nhân mắc bệnh tim do xơ vữa động mạch thuộc nhóm tuổi lao động từ 15-64. Và rối loạn lipid máu (máu nhiễm mỡ) là một trong những nguy cơ hàng đầu của các bệnh tim mạch.
Bệnh tim do xơ vữa động mạnh là một bệnh lý nguy hiểm, có thể để lại hậu quả trầm trọng về sức khỏe cũng như kinh tế nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
"Để giảm thiểu gánh nặng bệnh lý tim mạch nói chung và xơ vữa động mạch nói riêng với sức khỏe cộng đồng, cần phải có những hành động mạnh mẽ trước hết từ công tác phòng bệnh, giáo dục sức khỏe; sàng lọc phát hiện sớm để bệnh nhân được điều trị kịp thời, kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ và ổn định mảng xơ vữa, giúp giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng sống của người bệnh"- GS.TS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cũng cho biết thêm phòng ngừa và điều trị tim mạch là một quá trình can thiệp toàn diện từ giáo dục người dân và bệnh nhân nâng cao kiến thức về bệnh cũng như cách phòng tránh. Điều này giúp bệnh nhân phát hiện, chẩn đoán sớm và thiết lập mục tiêu điều trị cá thể hóa theo từng bệnh nhân với các mức độ nguy cơ khác nhau và có can thiệp điều trị đúng và đủ theo các hướng dẫn điều trị.
Đặc biệt, điều trị rối loạn lipid máu góp phần quan trọng vào điều trị nguyên nhân của nhiều bệnh tim mạch, do vậy việc chú trọng công tác quản lý bệnh rối loạn lipid máu sẽ giúp đảm báo quá trình chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tim mạch luôn an toàn và hiệu quả./.
Thời gian qua Bộ Y tế đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế cũng đã trực tiếp đã ban hành một số chính sách và văn bản hướng dẫn quản lý bệnh tật để kiểm soát các yếu tố nguy cơ, quản lý dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm và chăm sóc, điều trị bệnh lý tim mạch, như: Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lây nhiễm cũng đã được xây dựng và ban hành cho giai đoạn 2015-2025; Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025, trong đó có các hoạt động phòng chống bệnh tim mạch.
Bộ Y tế cũng ban hành các hướng dẫn chuyên môn, như "Chẩn đoán và xử trí hội chứng mạch vành cấp" năm 2019, "Dự phòng tiên phát bệnh tim mạch" năm 2020...
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong quản lý bệnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Gánh nặng bệnh tật vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là gánh nặng về bệnh lý tim mạch và xu hướng trẻ hóa ở những người trong độ tuổi lao động. Việc triển khai các hướng dẫn chuyên môn, quản lý điều trị bệnh lý tim mạch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặc biệt tại y tế cơ sở còn hạn chế.
Theo VOV2
https://vov.vn/suc-khoe/tu-vong-do-benh-tim-mach-ngay-cang-tang-post990885.vov