Những người sáng tạo ra HuggieBot 3.0 tuyên bố rằng đây là “robot với kích thước bằng con người đầu tiên có khả năng tự động ôm, nhận biết và phản hồi các cử động khi ôm của người khác.”
HuggieBot. (Nguồn: odditycentral)
HuggieBot 3.0 là thế hệ thứ ba của một loại robot được thiết kế bởi một nhóm nghiên cứu tại Viện Max Planck về Hệ thống thông minh. Robot này được quảng bá có khả năng tạo ra một "cái ôm hoàn hảo."
Ôm có lẽ không phải là điều đầu tiên xuất hiện trong đầu khi chúng ta nghĩ về những điều quan trọng mà robot có thể giúp đỡ loài người. Nhưng một nhóm các nhà khoa học tại Viện Max Planck về Hệ thống thông minh không có chung quan điểm này.
Nhà nghiên cứu Alexis E. Block và các đồng nghiệp của mình đã tham gia vào dự án HuggieBot trong nhiều năm, nhằm chế ra một robot có thể mang tới một cái ôm giống như con người.
Nếu thành công, nó có thể thay thế cho con người trong nhiều tình huống khác nhau, như mang lại cảm giác thoải mái và sẻ chia cho những cá nhân đang cô đơn.
Vừa qua, phiên bản thứ ba của nhóm là HuggieBot 3.0 đã trình làng và nó có những đặc điểm khá hấp dẫn.
Những người sáng tạo ra HuggieBot 3.0 tuyên bố rằng đây là “robot với kích thước bằng con người đầu tiên có khả năng tự động ôm, nhận biết và phản hồi các cử động khi ôm của người khác.”
Robot có một hệ thống cảm biến tùy chỉnh được họ gọi là “HuggieChest,” kết hợp với hai khoang nhựa PVC được bơm căng để bắt chước một phần ngực êm ái của con người.
Nhưng HuggieBot 3.0 còn làm được nhiều điều hơn nữa. Robot tiên tiến này có thể mang lại những cái ôm bằng cách sử dụng một cặp cánh tay JACO do công ty Kinova sản xuất.
Hai cánh tay này được gắn vào khung kim loại đã qua điều chỉnh. Để thực hiện cái ôm, một cảm biến áp suất không khí và micrô gắn bên trong bộ ngực nhân tạo của robot sẽ phát hiện ra sự tiếp xúc của con người. Nó sẽ truyền dữ liệu qua bảng vi điều khiển Arduino Mega tới máy tính chạy trên Hệ điều hành Robot (ROS), nằm trong phần đầu được in 3D của HuggieBot.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thông tin phản hồi từ 512 người thử nghiệm trong 32 lần kiểm tra, để đào tạo một hệ thống máy có khả năng học tập, nhằm phát hiện và phân loại một loạt các cử động được thực hiện trong khi ôm. Nhờ đó, HuggieBot 3.0 có thể đứng yên, hơi nhích thân theo chiều dọc, chạm hoặc vỗ vào lưng của một người và giữ chặt họ với các mức độ khác nhau.
“Thay vì đơn giản hóa những cử chỉ của robot và buộc người dùng phải chấp nhận điều này, vốn sẽ khiến robot chỉ siết chặt người dùng thay vì thực sự 'ôm' họ, thuật toán hành vi của chúng tôi đã cân bằng giữa hai hoạt động khám phá và học hỏi, để tạo ra một chú robot có khả năng mang tới những cái ôm đầy sự cảm thông,” nhóm phát triển HuggieBot 3.0 đã viết trong một báo cáo gần đây.
Alexis E. Block đã bắt đầu làm việc trên phiên bản HuggieBot đầu tiên vào năm 2016, khi đang thực hiện chương trình nghiên cứu bậc thạc sĩ về người máy.
Phiên bản đầu tiên đã được xây dựng dựa trên "sáu quy định về cái ôm," chẳng hạn như robot phải mềm mại và ấm áp hoặc nó phải biết cách khởi đầu và kết thúc một cái ôm.
HuggieBot 2.0 (phiên bản thứ hai) đã đưa dự án tiến thêm một bước, bằng cách tích hợp khả năng nhận thức xúc giác, để mang tới khả năng ôm có thể điều chỉnh được. Phiên bản 3.0 hiện đại nhất, đã bổ sung thêm "5 quy định về cái ôm" mới, nhằm mang lại trải nghiệm ôm giống với con người nhất.
Trong một thử nghiệm gần đây với 16 tình nguyện viên đã từng thử các phiên bản trước của HuggieBot, 12 người nói rằng họ thấy cỗ máy có cái ôm dễ chịu hơn đáng kể so với các anh chị em của mình.
Dù vậy, HuggieBot 3.0 chưa phải là sản phẩm hoàn hảo nhất. Những người tạo ra nó chỉ ra rằng robot chưa mang đến một cái ôm hoàn toàn giống với những gì người thật tạo ra. Vì thế nhóm đang làm việc trên phiên bản thứ tư, với những cải thiện về kỹ thuật và vị trí ôm.
Nhóm hy vọng rằng một ngày nào đó HuggieBot sẽ có thể tái tạo lại cảm giác ôm hoàn hảo, như củamột con người thực sự./.
Theo Phan An (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tau-vu-tru-insight-cua-nasa-ket-thuc-su-menh-kham-pha-sao-hoa/837278.vnp