GDP 2022 tăng 8,02% so với năm trước - là mức tăng cao nhất giai đoạn 2011-2022; xuất siêu ước đạt 11,2 tỷ USD… Những số liệu Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới công bố cho thấy sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 - là nền móng cho mục tiêu phát triển thời gian tới.
Theo các chuyên gia, “những con gió ngược chiều có thể tiếp tục xuất hiện”, “bối cảnh kinh tế quốc tế bất định, khôn lường tiềm ẩn những rủi ro, thách thức, có thể tác động nỗ lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam; cần khả năng thích ứng linh hoạt từ tất cả các chủ thể”.
8,02% không chỉ là mức tăng trưởng GDP cao nhất thập niên qua tại Việt Nam. Đây dự báo là tốc độ tăng trưởng Top đầu ASEAN và khu vực châu Á Thái Bình Dương. 8,02% GDP giúp đưa mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 4.000 USD. Ở góc độ thị trường, kinh doanh, việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới vượt mức 208.000 doanh nghiệp, là con số cao gấp 10 lần thời kỳ đầu Đổi mới, đặc biệt so với thời điểm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, cho thấy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp của người dân tiếp tục được củng cố.
Kinh tế Việt Nam 2023 với nhiều thách thức.
Vốn FDI thực hiện đạt mức cao nhất 5 năm qua; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng trưởng hơn 11% và tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng đạt hơn 230 tỷ USD càng góp phần khẳng định thực tế này. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục - khoảng 730 tỷ USD - đưa Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế có hoạt động ngoại thương lớn trên quy mô toàn cầu.
Xét về quy mô kinh tế, thứ hạng của Việt Nam trong ASEAN sẽ thay đổi. Vị thế kinh tế Việt Nam sẽ rất khác. Nói vậy không có nghĩa kinh tế 2022 chỉ toàn điểm sáng.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Duy Bình – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Economica Việt Nam đánh giá: “Bên cạnh những dấu mốc, những điểm mạnh, chúng ta cũng cần chú ý là tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đã giảm tốc trong quý 4. Mức bán lẻ doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng trong tháng 12 tốc độ tăng cũng giảm, chậm lại. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 12 cũng tăng chậm lại so với tháng trước, phản ánh những khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như là những khó khăn doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải. Nguy cơ suy thoái vẫn trực chờ đối với nhiều nền kinh tế lớn trên toàn thế giới - những đối tác thương mại và đầu tư rất lớn của Việt Nam”.
Cùng phân tích, nhận định về kinh tế Việt Nam 2022, triển vọng phát triển 2023, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn cho rằng, trong số rất nhiều điểm sáng kinh tế 2022, điểm tựa tốt nhất là hoạt động nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế cột trụ của Việt Nam. Hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đóng góp lớn nhất cho nỗ lực chung này khi chiếm tỷ trọng 97%.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu - ngoại thương và kinh tế số. Kinh tế số đã, đang và sẽ còn đóng góp rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế nói chung. Những con số rất ấn tượng mới được công bố vẫn chỉ là định lượng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các vấn đề định tính – về chất lượng phát triển cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
“Năm 2022, hệ thống ngân hàng mặc dù đã cung cấp vốn cho nền kinh tế nhưng có lẽ là thiếu. Thị trường tài chính bộc lộ 1 số vấn đề. Rồi đến xuất nhập khẩu. Đúng là xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt và kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với những hiệp định thương mại tự do, thế nhưng nó cũng chứng tỏ sự lệ thuộc ngoại thương. Và khi nền kinh tế thế giới có những vấn đề thì Việt Nam bị ảnh hưởng. Năm 2023, thị trường Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam phải có những điều chỉnh, trong đó có chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt và thích ứng hơn với việc thay đổi của môi trường kinh doanh và thị trường tài chính của thế giới; rồi thị trường tài chính, trái phiếu, cổ phiếu cần cải tổ, tạo niềm tin mạnh hơn cho các nhà đầu tư” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Ở góc độ là một chuyên gia nghiên cứu quản trị doanh nghiệp và môi trường đầu tư, PGS.TS Vũ Thành Hưng – Giảng viên cao cấp Đại học Quản trị Paris (Pháp) cũng có dự cảm tốt về tương lai gần của kinh tế Việt Nam. Ông cho rằng toàn nền kinh tế cần có một định hướng chiến lược từ tầm vĩ mô, và cần sự nỗ lực của mọi thành phần kinh tế, để có thể ổn định và giữ nhịp tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động-thách thức.
“Các nền kinh đang nỗ lực mở cửa bù lại những gì trong thời kỳ đại dịch, nó sẽ tạo ra thị trường sẽ mở hơn, cạnh tranh quốc tế cũng sẽ mạnh hơn. Bất ổn liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine dẫn đến căng thẳng về khí đốt về dầu lửa, rồi thì vấn đề thương mại Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt sự mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc - ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế của thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam.
Cốt lõi cho Việt Nam phát triển chính là nội lực. Nếu Chính sách đầu tư tốt, chính sách lao động và việc làm tốt, quan tâm đến những yếu tố về phát triển bền vững, tạo ra lòng tin của thế giới và lòng tin của cộng đồng các doanh nghiệp trên thế giới, họ sẽ tìm cách vào. Nó phải được nhìn ở góc độ Việt Nam không chỉ là thị trường cho khai thác mà là đối tác và các bên cùng có lợi. Đây là điều quan trọng” - PGS.TS Vũ Thành Hưng nhận định.
Cần khẳng định lại, GDP 8,02%, cùng nền tảng chính trị-xã hội ổn định – kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 là động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế năm mới 2023 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, như phân tích của các chuyên gia, để nền tảng đó thực sự vững chắc trong bối cảnh kinh tế quốc tế được dự báo biến động khôn lường, với nhiều rủi ro, thách thức, Việt Nam cần chủ động có những kế hoạch linh hoạt, thích ứng với bối cảnh quốc tế và thúc đẩy – lan toả được nội lực mạnh mẽ của tất cả các thành phần kinh tế.
Thực tiễn kinh tế mới đòi hỏi vai trò của cấp vĩ mô phải thể hiện ngày càng nhiều; trách nhiệm của cộng đồng kinh doanh và người dân phải thể hiện ngày càng mạnh mẽ - để từ điểm tựa kinh tế 2022, Việt Nam sẽ đạt được những kết quả ấn tượng hơn, thực chất hơn, không chỉ trong năm mới 2023 mà cả giai đoạn tiếp theo./
Theo Thu Trang/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-2023-voi-nhieu-thach-thuc-post993897.vov