Nếu việc dạy và học ở đất liền đã có nhiều khó khăn, gian khổ, thì việc dạy và học ở hải đảo càng khó khăn hơn.
Để có thể đem con chữ đến với các em học sinh nơi huyện đảo Trường Sa là sự hi sinh thầm lặng của những nhà giáo, những con người đã phải vượt qua khoảng cách hàng trăm hải lý, sống và làm việc xa nhà, xa đất liền nhiều năm trời để “gieo chữ” nơi đầu sóng. Và trong chuyến công tác tới huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa vừa qua, phóng viên Đài PT-TH Vĩnh Phúc đã có dịp đến với Trường Tiểu học Song Tử Tây, và được gặp gỡ những người thầy như thế.
Ngôi trường với nhiều khối lớp học chung trong một phòng học… Giáo án cũng phải soạn đủ cho các khối lớp trong một buổi học… Mỗi năm chỉ về phép thăm nhà một lần… Những khó khăn này không làm giảm nhiệt huyết và quyết tâm bám trụ với biển đảo để “gieo” con chữ cho các em học sinh của những nhà giáo.
Thầy Nguyễn Hữu Phú là một trong hai nhà giáo đang phụ trách công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Song Tử Tây, thuộc xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Gác lại hạnh phúc riêng tư, có hơn 4 năm gắn bó với các em học sinh ở xã đảo xa xôi chỉ có sóng gió này, với thầy Phú, đó không chỉ là cơ duyên, là tình yêu nghề mà còn là trách nhiệm của một nhà giáo với trong sự nghiệp gieo chữ ở Trường Sa.
Rời xa gia đình, xa đứa con nhỏ mới 2 tháng tuổi, sau lần nghỉ phép ngắn ngủi, thầy Nguyễn Bá Ngọc trở lại mái trường, với những học trò thân yêu ở xã đảo nơi đầu sóng này. Gắn bó với các học trò ở nơi hải đảo, việc dạy học với thầy Ngọc vừa thiêng liêng vừa đầy tự hào. Tự khi nào, các em học sinh đã trở thành người thân, trở thành động lực để thầy tiếp tục bám trụ với đảo, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở xã đảo xã xôi.
Những tâm huyết cùng với tình yêu nghề, yêu học trò, tình yêu biển, đảo của thầy Phú, thầy Ngọc đã đem lại con chữ, kiến thức cho các em học sinh nơi đảo xa.
Ở nơi xa đất liền, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện học tập thiếu thốn, nhưng lớp học “đặc biệt” của Trường Tiểu học Song Tử Tây luôn có những người thầy thầm lặng, ngày ngày miệt mài “gieo” chữ, “trồng người” nơi đầu sóng./.
Hà Giang