Chiều 29/3, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả chuyển đổi số của Việt Nam và một số nội dung chuẩn bị cho Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9; tình hình triển khai các dự án Luật do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu cho Chính phủ thay đổi cách làm trong công tác truyền thông chính sách
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và chúc mừng các kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt được trong thời gian qua.
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo và những định hướng lớn được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, tại Nghị quyết 16/của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong đó có việc đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật phát triển hạ tầng số tiến tới chuyển đổi số quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những bước chuyển mình rất quan trọng. Bên cạnh các lĩnh vực trước đây Bộ đã phụ trách như Báo chí, Bưu chính, Viễn thông, An toàn thông tin mạng, Bộ còn được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý mới trên 04 lĩnh vực: Chuyển đổi số quốc gia; Chính phủ số; Kinh tế số và Xã hội số; Công nghiệp ICT.
Chủ tịch Quốc hội làm việc với Bộ TT&TT.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành thông tin và truyền thông trong 5 năm vừa qua là 12,4%, gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.
Công tác truyền thông, báo chí tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính, tích cực của xã hội Việt Nam, tạo sự đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. Truyền thông, báo chí đã góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao công tác truyền thông chính sách, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu cho Chính phủ để thay đổi nhận thức, cách làm trong công tác truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước. Theo đó, truyền thông chính sách phải được coi là một việc, một chức năng của chính quyền.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ Thông tin và truyền thông đã rất năng động, tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật an ninh mạng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Hiên nay, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), do Bộ là đơn vị chủ trì soạn thảo đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Chuyển đổi số, các quốc gia đều có thể quay về điểm xuất phát
Về công tác phối hợp chuẩn bị cho Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Nội dung này cũng phù hợp với mục tiêu của IPU và ưu tiên của Việt Nam nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc.
Chuyển đổi số là một trong ba nội dung xuyên suốt chủ đề chung của Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 và là một trong ba phiên thảo luận chuyên đề tại Hội nghị cần có sự tham gia, phối hợp chuẩn bị nội dung ngay từ đầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các chuyên đề mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất. Trong đó có chuyên đề “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, “Chuyển đổi số và phát triển bền vững, giải quyết các bài toán thiên niên kỷ”, “Chuyển đổi số và thể chế số”, “Chuyển đổi số và chủ quyền số”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhờ cuộc cách mạng chuyển đổi số, việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ sẽ có tính đột phá hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đang thành lập Ban Tổ chức hội nghị do Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng tiểu ban và bộ trưởng các bộ ngành liên quan làm Phó trưởng tiểu ban; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia Tiểu ban Nội dung và Tiểu ban Thông tin - Tuyên truyền Hội nghị.
Sớm xây dựng khung về văn kiện, nếu có thể ra tuyên bố Hà Nội thì có rất nhiều thông điệp, nhiều nội dung được đưa ra, nhất là thông điệp cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hay chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Thông điệp nữa là với việc chuyển đổi số này thì các quốc gia đều có thể quay về điểm xuất phát, kể cả phát triển rồi hoặc đang phát triển đều vậy. Đây là cơ hội cho những nước đi sau như Việt Nam. Vì tương lại không phải đơn thuần là một đường kéo dài của quá khứ nữa. Đột phá có tính chất phá huỷ. Khi ấy các mô hình kinh doanh, sản xuất cũ sẽ không còn đất để tồn tại.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng hạ tầng cứng, hạ tầng mềm cho chuyển đổi số là rất quan trọng, hệ sinh thái bao gồm cả nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực và nói đến chuyển đổi số là nói đến chủ quyền số quốc gia, an toàn-an ninh mạng, niềm tin số. Đây là cuộc chơi mang tính toàn cầu, không thể đứng ngoài mà phải tận dụng mọi cơ hội vì tiềm năng của chúng ta rất lớn. Nhưng đồng thời phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ thông tin và truyền thông tổ chức các khu trưng bày sản phẩm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khu trưng bày sản phẩm OCOP để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam nhiều hơn đến bạn bè quốc tế; phối hợp chuẩn bị nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam tại phiên họp toàn thể và thảo luận chuyên đề liên quan đến chuyển đổi số; đẩy mạnh thông tin truyền thông trước, trong, sau Hội nghị.
Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị tốt nhất các nội dung liên quan đến chuyển đổi số tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ sẽ lĩnh hội các chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và tổ chức triển khai thực hiện; đặc biệt là xây dựng và hoạch định thể chế số, mở đường cho chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi số trở thành một phương thức phát triển mới có tính đột phá giúp đẩy nhanh và rút ngắn tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết chuẩn bị tốt nhất các nội dung liên quan đến chuyển đổi số tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu; phối hợp tổ chức công tác thông tin và tuyên truyền về hội nghị với tinh thần hội nghị là sự kiện đối ngoại đa phương, trọng tâm của đối ngoại Quốc hội trong năm 2023; cam kết về chất lượng và thời gian đối với các dự án luật do Bộ dự thảo, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội; chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng tham gia xây dựng Quốc hội điện tử, nhất là phần mềm AI để phát hiện mâu thuẫn thể chế giữa các luật, giữa luật với các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư.
Nhằm đóng góp cho các hoạt động của Quốc hội Việt Nam với Quốc hội toàn cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất các nội dung: Ngành Thông tin và Truyền thông có thể hỗ trợ kết nối hội nghị truyền hình với các Quốc hội toàn cầu; xây dựng cơ sở dữ liệu về luật pháp toàn cầu bằng tiếng Anh đi cùng công cụ tìm kiếm trợ lý ảo để Quốc hội các nước có thể khai thác tri thức, thể chế toàn cầu; xây dựng nền tảng số, nhắn tin, trao đổi bằng text để các nghị sĩ/đại biểu Quốc hội tương tác trao đổi trong môi trường đa ngôn ngữ./.
Theo Lê Tuyết/VOV - 29/03/2023
https://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-cach-mang-40-chuyen-doi-so-la-cuoc-cach-mang-ve-the-che-post1010577.vov