Cập nhật: 09/04/2023 09:24:00
Xem cỡ chữ

Theo Kế hoạch số 54 ngày 16/3/2020 của UBND tỉnh, từ năm 2020 đến 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phải xử lý dứt điểm các tồn tại, vi phạm Luật Đất đai và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đất đai mới phát sinh trên địa bàn. Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực huy động sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Là địa phương có số hộ lấn chiếm, sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích nhiều nhất các xã trong tỉnh, ngay từ đầu năm, UBND xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc đã xây dựng kế hoạch mỗi tháng phải xử lý, giải tỏa xong từ 5 đến 10 hộ vi phạm. Phấn đấu trong năm 2023 sẽ phải xử lý xong 362 hộ vi phạm.

Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” do vậy huyện Yên Lạc xác định trong năm 2023 và năm 2024 sẽ phải xử lý các vụ việc vi phạm phức tạp nên ngay từ đầu năm, UBND huyện đã xây dựng Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Trong đó yêu cầu các xã, thị trấn đề ra kế hoạch cụ thể, chi tiết đối với từng trường hợp để tổ chức thực hiện xử lý một cách triệt để.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương trong tỉnh, mặc dù đã siết chặt công tác quản lý, xong những vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn có chiều hướng gia tăng, nhất là đối với các địa phương có làng nghề và đường giao thông mới đi qua. Do vậy các địa phương đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Với mục tiêu đến năm 2024 sẽ giải quyết dứt điểm các sai phạm về Luật Đất đai, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách, xử lý hiệu quả từng trường hợp vi phạm. Đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành pháp luật về Luật Đất đai, phải thực hiện cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật./.

Phương Liên