Trong lịch sử hơn 4.000 năm, theo truyền thuyết về họ Hồng Bàng, 54 dân tộc Việt Nam đều được sinh ra từ một bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Cũng từ đó mà có từ “đồng bào” đến ngày nay. Từ truyền thuyết ấy, tất cả người Việt Nam ta đều chung một nguồn cội, một gia đình, đều là người thân ruột thịt. Ngày Quốc giỗ - giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 hằng năm bắt nguồn sâu xa từ niềm tin linh thiêng về dòng giống Rồng Tiên của cả dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành bản sắc độc đáo của văn hóa Việt và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hướng về cội nguồn trở thành đạo lí tốt đẹp, có sức sống lâu bền qua các thế hệ người Việt.
Cả dân tộc Việt Nam là một gia đình lớn được tạo nên từ mỗi gia đình nhỏ trên khắp đất nước. Mỗi nếp nhà, mỗi gia đình chính là nơi khởi nguồn sinh ra con người. Những tiếng nói đầu tiên khi còn nằm nôi, những lời ru được nghe từ thuở lọt lòng là sự tiếp nhận văn hóa đầu tiên của mỗi người. Những lời ru của bà, của mẹ có lẽ cũng là những bài học đầu tiên trong đời của chủ tịch Hồ Chí Minh và từ đó đã nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn, cốt cách, tình yêu thương con người, yêu quê hương và chí lớn vì đất nước của Người.
Mạch nguồn văn hóa từ gia đình và quê hương với những giá trị truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc là điểm khởi đầu hun đúc nên người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam và thế giới - Hồ Chí Minh. Từ thời đại Hồ Chí Minh đã kiến tạo nền văn hóa mới đảm bảo quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc cho con người và dân tộc. Người chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác: Văn hóa “phải ở trong kinh tế và chính trị” và ngược lại, kinh tế, chính trị cũng nằm “trong văn hóa”. Người khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, dẫn lối cho sự phát triển. Tư tưởng về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng càng được làm sáng tỏ hơn trong Đề cương Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. Đề cương xác định rõ ba nguyên tắc “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa” và “Khoa học hóa”, được ví như tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Từ Đề cương Văn hóa Việt Nam đã góp phần khơi lên khát vọng, ý chí, nghị lực, tinh thần anh dũng, kiên cường của mỗi người dân, tạo thành sức mạnh của cả dân tộc, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt hơn 80 năm qua, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Trong đó, Đảng đã khẳng định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kì mới”. Như vậy, hệ giá trị gia đình được xác định là nhân tố quan trọng trong xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, song hành cùng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa tạo nên sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.
Vĩnh Phúc là miền giao thoa giữa vùng văn hóa Hùng Vương với văn hóa Kinh Bắc - Thăng Long, nơi lưu giữ các giá trị của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc. Dòng chảy văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác trong các gia đình đã góp phần làm giàu bản sắc trên vùng đất này, trong đó có sức sống lâu bền của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống.
Niềm đam mê với nghệ thuật tuổng cổ của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Liên, Xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đang được truyền sang thế hệ thứ 3 trong gia đình. Hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng, từng biểu diễn ở quân khu Việt Bắc và các điểm phục vụ chiến sĩ, bộ đội thời kì kháng chiến chống Mĩ, người nghệ nhân không nhớ mình đã diễn bao nhiêu vở, vào bao nhiêu vai, niềm tự hào nhất giờ đây là bà có thể trao truyền cho các thế hệ kế cận duy trì và phát triển một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Không gian tại gia đình Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Liên từ lâu đã trở thành điểm hẹn quen thuộc để các nghệ nhân và thành viên Câu lạc bộ Tuồng Hoàng Đan, huyện Tam Dương luyện tập, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Từ khoảng sân, mái hiên nhỏ này, các thành viên câu lạc bộ đã trở thành những nghệ sĩ diễn trên nhiều sân khấu lớn trong và ngoài tỉnh, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Vĩnh Phúc đang hiện thực hóa các mục tiêu của Đảng và nghị quyết của Tỉnh ủy “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, đồng thời thực hiện Đề án thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Văn hóa gia đình là một bộ phận tạo lập văn hóa làng, văn hóa nước. Bản sắc cùng những giá trị tốt đẹp được hình thành, chắt lọc và phát triển từ mối quan hệ hữu cơ gia đình và cộng đồng. Làng nghề truyền thống Gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên có tuổi đời trên dưới 300 năm. Cho đến nay, số lượng hộ làm nghề gốm không còn nhiều như xưa. Sức sống bền bỉ của làng nghề một phần lớn bởi vẫn có những gia đình nhiều thế hệ làm gốm. Thế hệ trước truyền cho thế hệ sau. Thế hệ sau vừa kế thừa vừa đưa hơi thở đương đại vào sản phẩm, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ đến trong và ngoài nước. Những người trẻ đã góp phần nâng tầm sản phẩm gốm truyền thống Hương Canh, duy trì và phát triển nghề đặc trưng của quê hương.
“Tiên phong. Sáng tạo. Khát vọng. Đổi mới”. Con người Vĩnh Phúc đang được xây dựng với bốn phẩm chất nổi trội, kết hợp với những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, luôn hướng tới chân - thiện - mĩ, đây là nền tảng tinh thần tạo nguồn lực to lớn đóng góp vào sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh cùng đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để xây dựng con người với những giá trị chuẩn mực, môi trường giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Gia đình với vai trò là “cái nôi”, vị trí trung tâm kết nối nhà trường và xã hội, tạo môi trường giáo dục con người, mỗi thành viên đều có trách nhiệm xây dựng văn hóa gia đình, để đó không chỉ là nơi bồi đắp tư tưởng, nuôi dưỡng nhân cách tốt đẹp mà còn xây dựng “pháo đài” để con người ngăn ngừa, phản kháng trước những cái xấu, phi văn hóa.
“Văn hóa còn là dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Văn hóa là hồn cốt, tinh hoa của dân tộc. Lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, cao thượng, nhân văn, tiến bộ… . Tất cả tạo nên sức mạnh và bản sắc Việt Nam tồn tại qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, qua các cuộc chiến tranh vệ quốc và đến ngày nay trong thời kì hội nhập. Trên mỗi chặng đường lịch sử, văn hóa Việt không ngừng được kế thừa, bồi đắp những giá trị mới. Và ở thời kì nào, mỗi nếp nhà cũng là nơi lưu giữ, trao truyền, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Đặc biệt trong kỉ nguyên số, mỗi gia đình, mỗi người dân với khát vọng phát triển sẽ tạo nên “sức mạnh mềm”, xây dựng đất nước phát triển, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng.
Tuyết Minh