Lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng sai mục đích, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không xin phép, không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền... Đó là thực trạng đang xảy ra ở hầu hết các xã, phường, thị trấn ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Những vi phạm này diễn ra trong một thời dài không được xử lý dứt điểm ngay từ khi mới manh nha, bắt đầu đã tạo thành làn sóng vi phạm pháp luật về đất đai. Hiện nay, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã phải tốn rất nhiều công sức, chi phí trong việc xử lý vi phạm pháp luật đất đai.
Nhiều năm nay, khu vực đất ruộng chuyên canh trồng lúa của người dân xã Tề Lỗ và xã Trung Nguyên của huyện Yên Lạc đã bị biến thành bãi tập kết phương tiện xe cơ giới đã qua sử dụng, thậm chí có chỗ còn được xây dựng công trình nhà xưởng rộng lên đến hằng trăm mét vuông. Dưới nhiều hình thức khác nhau, tình trạng vi phạm đất nông nghiệp đang diễn ra ở nhiều nơi.
Cách trụ sở UBND xã Trung Nguyên không xa, sát với tuyết đường Quốc Lộ 2C thế nhưng tình trạng sử dụng đất sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng đất nông nghiệp lại diễn ra khá phổ biến. Ban đầu chỉ 1 hộ, sau lan rộng lên đến hàng chục hộ. Điều đáng nói là các trường hợp vi phạm đất nông nghiệp ở khu vực này không phải chủ hộ đứng tên trên diện tích phần đất ruộng của mình. Lợi ích từ việc chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao nên một bộ phận người dân bất chấp các quy định pháp luật về đất đai để thực hiện hành vi vi phạm.
Tình trạng xây dựng trái phép nếu không ngăn chặn ngay từ khi manh nha sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự ở địa phương mà còn để lại nhiều hệ lụy, gây tốn kém ngân sách nhà nước vì địa phương sẽ phải huy động nhân lực, vật lực để cưỡng chế giải tỏa công trình vi phạm sau này.
Không chỉ khu vực đất nông nghiệp có giá trị cao mà ngay cả đất rừng sản xuất cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép. Theo quy định tại Điểm C, Khoản 1, Điều 10 của Luật đất đai năm 2013, mục đích sử dụng đất rừng sản xuất chủ yếu là sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái. Vậy nhưng tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch có khá nhiều trường hợp xây dựng nhà ở kiên cố trên diện tích đất rừng sản xuất.
Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo phân cấp để triển khai thi hành Luật Đất đai, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai như: Đề án phòng ngừa ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; Kế hoạch số 54 ngày 16/3/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh, xử lý dứt điểm các tồn tại, vi phạm trong việc lấn đất, chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Tỉnh giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố mỗi năm xử lý từ 15 đến 20% số vụ việc tồn đọng, vi phạm đất đai và yêu cầu xử lý dứt điểm các trường hợp mới phát sinh; toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2024 phải xử lý xong số vụ việc vi phạm về đất đai.
Thực tế cho thấy, từ năm 2019 trở lại đây, công tác xử lý vi phạm pháp luật về đất đai được thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến xã với quan điểm nhất quán, kiên trì, kiên quyết, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân người đứng đầu địa phương. Các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, ra quyết định xử phạt hàng trăm vụ việc vi phạm, trong đó có trường hợp bị khởi tố hình sự do vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai.
Cho đến nay, Vĩnh Phúc đã xử lý trên 90% số trường hợp vi phạm đất đai, là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xử lý số vụ vi phạm về đất đai. Không lùi bước trước những khó khăn, để quyết liệt hơn nữa, giải quyết dứt điểm vi phạm về đất đai, ngày 1/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12 về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Các chủ trương lãnh đạo của Tỉnh uỷ, chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác xử lý vi phạm về đất đai đã được các cấp, các ngành phối hợp thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Với tinh thần kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có trường hợp được hợp thức hóa các hành vi vi phạm về đất đai. Cùng với đó cấp ủy chính quyền kiên trì tuyên truyền vận động để người dân tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm, cam kết không tái vi phạm.
Sự quyết liệt trong cuộc đấu tranh với vi phạm liên quan đến đất đai của Vĩnh Phúc đã ngăn chặn hiệu quả làn sóng vi phạm đất đai trên địa bàn tỉnh. Thông qua các cuộc xử lý vi phạm, cưỡng chế phá dỡ các công trình trái phép, thu hồi đất sử dụng sai mục đích, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác quản lý, sử dụng đất đai được cải thiện đáng kể. Công tác quản lý đất đai từng bước đi đúng quỹ đạo pháp luật, bảo đảm sự công bằng trong việc sử dụng nguồn tài nguyên có giá trị này.
Lỗ Hiếu