Nhất quán chủ trương “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, đồng thời đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào chiều sâu theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.
Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh, Huyện ủy, UBND Huyện Tam Đảo đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với khai thác tiềm năng du lịch của địa phương.
Phát huy thế mạnh và tiềm năng của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều nét văn hóa đặc sắc, huyện Tam Đảo là địa phương duy nhất trong tỉnh được lựa chọn xây dựng 5 Làng văn hóa kiểu mẫu. Đây chính là một trong những hướng đi mới trong việc bảo tồn văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số gắn với khai thác tiềm năng du lịch của huyện.
Ngay sau khi nghị quyết xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của Tỉnh ủy được ban hành, huyện Tam Đảo đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Với đồng bào dân tộc Sán Dìu đang sinh sống tại Thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu không chỉ góp phần tảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc mà nơi đây sẽ trở thành điểm lý tưởng để đồng bào dân tộc Sán Dìu được quảng bá, giới thiệu nét văn hóa truyền thống đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh.
Xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Với nhiều nét đặc sắc về văn hóa, chính quyền địa phương sẽ khôi phục và tạo dựng một số đặc trưng của dân tộc Sán Dìu phục vụ du khách tham quan. Từ đó mở ra hướng đi mới để Đạo Trù khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu chính là cơ hội để địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan là 1 trong 5 thôn của huyện Tam Đảo được tỉnh lựa chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Thôn có 503 hộ dân với gần 1.600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Đồng Bùa được quy hoạch làm mới trên đất ruộng của 35 hộ dân với diện tích hơn 13.700m2.
Để có được công trình khang trang, hiện đại, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu đối với đời sống của người dân. Qua công tác tuyên truyền, vận động, 100% hộ dân thôn Đồng Bùa đã đồng thuận, sẵn sàng bàn giao đất xây dựng thiết chế nhà văn hóa.
Sau 5 tháng triển khai, với nỗ lực quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền huyện Tam Đảo và xã Tam Quan, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thôn Đồng Bùa, thiết chế văn hoá thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Đồng Bùa đã hoàn thành, là nơi sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa, thể thao của đồng bào các dân tộc trong và ngoài vùng.
Chương trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại huyện Tam Đảo đã nhận được sự chung sức, đồng lòng của toàn thể Nhân dân. Với mục tiêu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, chính quyền các cấp huyện Tam Đảo đã tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, kêu gọi được sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của toàn dân trong thực hiện 14 tiêu chí Làng văn hóa kiểu mẫu theo Nghị quyết số 08/2023 của HĐND tỉnh. Toàn huyện đã đăng ký 65 mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, nhiều công trình, hạng mục thi công đã hoàn thành và vượt tiến độ đề ra.
Sau một thời gian ngắn thực hiện, đến nay, trên khắp các Làng văn hóa kiểu mẫu là những con đường làng rộng rãi, những hàng rào rực rỡ sắc hoa, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Cùng với các thiết chế văn hóa thể thao, các điểm du lịch cộng đồng, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đã và đang tạo nên bức tranh sống động về một miền quê Tam Đảo giàu bản sắc văn hóa, phát triển về du lịch.
Thành quả này là kết quả của sự đồng lòng, chung sức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đồng thời khẳng định sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Tam Đảo trong hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết của tỉnh đi vào cuộc sống.
Kim Liên