Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Cùng với những tôn giáo nội sinh, có các tôn giáo được du nhập từ nước ngoài vào, tạo nên bức tranh tôn giáo đa sắc màu. Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 03 tôn giáo đang hoạt động hợp pháp, gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin lành.
Với khoảng gần 170.000 tín đồ, trong đó có hàng nghìn chức sắc, chức việc và hàng trăm cơ sở thờ tự. Thông qua các sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, chức việc, các tôn giáo ở Vĩnh Phúc đã hướng dẫn tín đồ nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tôn giáo làm cầu nối tuyên truyền
Mỗi tôn giáo có đường hướng và phương châm hành đạo khác nhau nhưng các tôn giáo ở Vĩnh Phúc đều chung một định hướng sống “Tốt đời, đẹp đạo”, hướng đến các giá trị “Chân - Thiện - Mỹ”.
Đường hướng của các tôn giáo đều phù hợp với giáo lí, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đạo Phật thông qua các buổi hoằng pháp, các khoá tu, lễ trọng trong năm, hướng tín đồ, phật tử thực hành những việc làm thiện trong đời sống, gắn với thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đạo Công giáo và Tin lành thông qua các buổi thờ phượng Chúa, hát Thánh ca, vừa ngợi ca Chúa vừa hướng tín đồ, tín hữu, giáo dân đến tinh thần đoàn kết dân tộc, gắn đạo và đời.
Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân là quan điểm, chính sách xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo khẳng định, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong đảm bảo quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cùng sự đa dạng, hòa hợp, bình đẳng giữa các tôn giáo.
Nhiều đề nghị chính đáng của chức sắc, chức việc, tín đồ, đồng bào các tôn giáo được kịp thời giải quyết, tạo được sự gắn bó của đồng bào có Đạo với các cấp ủy, chính quyền địa phương. Các tôn giáo đã thể hiện vai trò cầu nối tuyên truyền giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, tín đồ, góp phần xây dựng xã hội hướng đến những giá trị cao đẹp.
Tôn giáo trong Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội
Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh không ngừng bồi đắp lí tưởng sống đẹp, nuôi dưỡng lòng yêu nước, trách nhiệm công dân trong các tín đồ, tín hữu.
Năm 2013, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Vĩnh Tường đã phối hợp với UBND huyện Vĩnh Tường vượt hàng nghìn km cung tiến bức tượng Phật ngọc đến Chùa Trường Sa Lớn, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Đại đức Thích Pháp Đạt - Trụ trì Chùa Thanh Sơn ở xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên từng được công cử trụ trì Chùa Trường Sa/Chùa Trường Sa Lớn từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2015. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, Đại đức càng cảm nhận sâu sắc trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc và vai trò gắn kết tình quân dân của Nhà chùa.
Các tôn giáo sống hòa hợp, đoàn kết đã góp phần tạo nên những khu dân cư văn hóa, là điểm sáng về phòng chống tội phạm, phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội; đóng góp tích cực vào thành quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Có những giáo họ nhiều chục năm liền không có người vi phạm pháp luật, trở thành điển hình tiên tiến tiêu biểu ở địa phương. Thông qua các giáo lí, giáo luật và bằng tấm gương mẫu mực của bản thân, các chức sắc, chức việc tôn giáo đã lan tỏa những giá trị văn hóa, đạo đức trong đời sống xã hội, góp phần tạo nền tảng tinh thần vững chắc để tín đồ, tín hữu luôn ý thức về trách nhiệm công dân, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì sự phát triển của quê hương, đất nước.
Tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội
Những Làng văn hóa kiểu mẫu, miền quê đáng sống, sáng, xanh, sạch đẹp đang được hình thành trên khắp Vĩnh Phúc từ sự đồng thuận, chung tay góp sức của Nhân dân… Trong đó, có nhiều gia đình theo đạo đã hiến đất, đóng góp tiền của, vật liệu, ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn, làm đường giao thông nội đồng, cải tạo cống rãnh thoát nước ở khu dân cư... Tuyến đường dài khoảng 1km ở phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên trước đây có chiều rộng mặt đường chưa đến 2m, nay đã được mở rộng lên trên dưới 4m, với sự ủng hộ, tự nguyện hiến đất cùng đóng góp nhân lực, vật lực của 22 gia đình thuộc Giáo họ Kim Tràng ở phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên. Trong đó, có những gia đình đã hiến hàng trăm mét vuông đất thổ cư.
Thực hiện chủ trương xây dựng Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, không ít giáo họ đã vượt lên quan niệm: “nhất táng thiên thu”, di chuyển nghĩa trang, nhường lại hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng khu công nghiệp. Từ năm 2005-2006, Giáo xứ Bảo Sơn ở thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên đã tuyên truyền, vận động bà con giáo dân di dời gần 3.000 ngôi mộ, giải phóng gần 3ha mặt bằng để xây dựng Khu công nghiệp Bá Thiện.
Nhiều chương trình xoá đói giảm nghèo trong vùng đồng bào các tôn giáo đã được thực hiện, góp phần tạo động lực để các gia đình theo Đạo phát triển kinh tế, xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh. Đặc biệt, rất nhiều công trình tôn giáo có giá trị lịch sử và độc đáo về kiến trúc đã được các chức sắc, chức việc nỗ lực kêu gọi Nhân dân, tín đồ đóng góp xây dựng, trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Vĩnh Phúc, thực hiện đúng chủ trương phát triển văn hóa, du lịch của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Các tôn giáo đã khẳng định là một nguồn lực lớn, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Tôn giáo tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở
Lá cờ Tổ quốc được treo ở tất cả các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Đó là một sự khẳng định Tôn giáo luôn trong lòng dân tộc. Nhiều tín đồ tôn giáo được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh. Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2021-2026, có 56 người là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND các cấp. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kì 2019-2024 có 147 vị chức sắc, chức việc tiêu biểu các tôn giáo tham gia; trong đó có 77 vị Phật giáo; 67 vị Công giáo và 03 vị Tin lành. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp hiện có 42 nữ chức sắc, chức việc, nữ tu, tín đồ tôn giáo tham gia Ban Chấp hành Hội. Tín đồ các tôn giáo tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền ở cơ sở càng thể hiện tư tưởng xuyên suốt của các tôn giáo gắn đạo và đời, đồng hành cùng sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
Tôn giáo tích cực thực hiện an sinh xã hội
Thôn Hữu Bằng, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên có hơn 500 hộ và theo đạo Công giáo toàn tòng. Thăm hỏi, tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn là một trong những hoạt động an sinh xã hội thường niên của Giáo xứ Hữu Bằng.
Trong 5 năm gần đây, bằng nhiều hoạt động thiết thực như nấu cháo, trao tặng xe đạp cho học sinh, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt ở miền Trung, trao tặng áo ấm trẻ em vùng cao, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Chương trình “Nối vòng tay nhân ái - Tết cho người nghèo” do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát động..., các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực vào hoạt động an sinh xã hội, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn trong cộng đồng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Suốt nhiều năm qua, hằng tuần, những bữa cháo ấm áp nghĩa tình được thầy trụ trì Chùa Tùng Vân và các phật tử trao tặng bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với rất nhiều phần quà ý nghĩa từ các tín đồ, tín hữu Công giáo, Đạo Phật, Tin Lành, đã có những vị xuất gia gửi lại cà sa để vào vùng dịch, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.
Các phong trào tốt đời đẹp đạo lan tỏa trong đời sống xã hội đã góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức truyền thống nhân văn của con người Việt Nam. Các tôn giáo đã cùng Đảng, Nhà nước chăm lo cho người có công và giúp đỡ người nghèo, người yếu thế trong xã hội “để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Sự đóng góp của các chức sắc, chức việc trong tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần cùng Vĩnh Phúc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, làng văn hóa kiểu mẫu, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng bào các tôn giáo Vĩnh Phúc cũng như trong cả nước là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần tạo nên bản lĩnh, bản sắc và sức mạnh Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Đất nước có phong trào gì thì các tôn giáo hưởng ứng tích cực, đóng góp hiệu quả cho phong trào đó. Đất nước có khó khăn, thách thức thì với tinh thần đại đoàn kết, tôn giáo đồng hành cùng đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đất nước có thuận lợi và thời cơ thì tôn giáo thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và Nhân dân ấm no, hạnh phúc”.
Tuyết Minh