Cập nhật: 19/01/2024 21:14:00
Xem cỡ chữ

Mỗi dịp Tết đến, vấn đề an toàn thực phẩm luôn là nỗi lo của người tiêu dùng, bởi các loại hàng hóa không bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... được dịp trà trộn, tung ra thị trường tiêu thụ nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng. Cụ thể, cuối tháng 12.2023, Cục quản lý thị trường đã tiến hành tạm giữ hơn 11 nghìn chai mật ong có dấu hiệu là hàng giả, giá trị hàng hóa gần 300 triệu đồng của 4 công ty là Công ty TNHH Ong Hòa Bình có địa chỉ tại thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên; Công ty TNHH Ong Việt có địa chỉ tại Thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên; Công ty TNHH Ong Việt Nhật, có địa chỉ tại xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, và Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Tuấn Phương MTV địa chỉ ở thành phố Bắc Ninh. Đầu tháng 1.2024, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện, thu giữ 5.364 sản phẩm là các sản phẩm sữa bột, thực phẩm dinh dưỡng gắn các dấu hiệu xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu của Abbott với trị giá hàng hóa theo giá niêm yết trên sản phẩm là gần 70 triệu đồng tại một cửa hàng sữa trên địa bàn phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên. Đặc biệt, trong ngày 11/1 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra và phát hiện 1 cơ sở sản xuất kinh doanh mứt tết giả mạo, thu giữ tại chỗ gần 1.000 hộp mứt tết thành phẩm cùng nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc trên địa bàn thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường.

Trước đó, ngày 15/12/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra, phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt trâu, thịt lợn sấy khô thuộc hộ gia đình Nguyễn Thị Chanh, ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường đang chế biến 355 kg sản phẩm động vật là thịt lợn không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Toàn bộ số thịt lợn này đã được mổ phanh bỏ nội tạng, cắt khúc nhưng chưa cạo lông. Các tảng thịt có màu thâm tím, có nốt sần đỏ và có nhiều côn trùng là ruồi bâu xung quanh.

Những vụ việc được phát hiện gần đây cho thấy, vì lợi nhuận trước mắt mà nhiều người bất chấp sức khoẻ, sự an toàn của người tiêu dùng. Chưa bao giờ nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán lại trở nên canh cánh như hiện nay. Mua ở đâu, lựa chọn như thế nào để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là câu hỏi lớn đặt ra đối với mỗi người tiêu dùng. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, kiểm soát chặt chẽ vấn đề ATTP, giúp người dân đón Tết an toàn.

Càng gần đến ngày Tết, nhu cầu mua sắm càng trở nên nhộn nhịp, sôi động. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại nhất đối với người dân cũng như các ngành chức năng đó là các loại thực phẩm kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ vẫn liên tục được tung ra thị trường, tăng nguy cơ gây ngộ độc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết nguyên đán là một trong những nhiệm vụ quan trọng, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng và Công an các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm.

Thực hiện kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh. Hoạt động kiểm tra của đoàn liên ngành tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng phục vụ tết.

Trong thời điểm cận Tết và lễ hội Xuân 2024, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng kinh doanh, các kho hàng, bến bãi trên địa bàn, nhất là các cơ sở kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán như rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, sản phẩm gia dụng, thực phẩm...

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cũng cần tuân thủ các điều kiện an toàn thực phẩm; mua bán, sản xuất sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; chế biến, bảo quản và lựa chọn các loại thực phẩm an toàn....

Hà Giang