Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo tồn, khai thác và tu bổ, chống xuống cấp các di tích, danh thắng tiêu biểu ở các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, phục dựng các trò diễn truyền thống; truyền dạy, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ; kế thừa, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng làng xã trong các lễ hội dân gian, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Trong những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên đã tổ chức lễ hội kéo Song làng Bảo Đức. Đây là năm đầu tiên thị trấn khôi phục, tổ chức lại lễ hội kéo Song sau hơn 20 năm bị mai một. Mặc dù trải qua thời gian và nhiều biến cố lịch sử, nhưng cách thức thực hành và những nghi thức của lễ hội vẫn còn giữ nguyên giá trị. Giống như lễ hội kéo Song ở thị trấn Hương Canh, đây là trò chơi dân gian có truyền thống lâu đời, biểu dương tinh thần thượng võ của người dân ở một số làng quê trên địa bàn huyện Bình Xuyên.
Đền Bắc Cung hay còn gọi là Đền Thính, thờ Tản Viên Sơn Thánh ở thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1992. Lễ hội đền Bắc Cung được tổ chức trang trọng vào mùng 6 tháng giêng hàng năm, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là một trong những lễ hội lớn của huyện Yên Lạc được lưu truyền đến ngày nay, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến du Xuân, cầu lộc, cầu tài, cầu may mắn và thể hiện lòng thành kính đối với Đức Thánh Tản Viên.
Hát Trống quân Đức Bác, xã Đức Bác, huyện Sông Lô là di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật này, Tỉnh đã ban hành Nghị quyết về Hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực Di sản Văn hóa Phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ dân ca tiêu biểu tỉnh đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó thực hiện truyền dạy trực tiếp hát Trống quân Đức Bác tại các Trường Tiểu học, THCS của xã Đức Bác, để trao truyền tinh hoa văn hóa phi vật thể của địa phương cho thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc, đồng thời, bảo tồn, phát huy bền vững giá trị đặc sắc của các làn điệu Trống quân Đức Bác.
Cũng tương tư như vậy, làn điệu Soọng Cô – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – là nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc. Cùng với việc truyền dạy chữ viết, tiếng nói, giọng hát của đồng bào dân tộc Sán Dìu cho các thanh, thiếu nhi là con em đồng bào dân tộc Sán Dìu, nhiều Câu lạc bộ hát Soọng Cô đã được thành lập. Hằng năm, các câu lạc bộ đều tổ chức các các lớp truyền dạy, giao lưu tạo môi trường, không gian cho các hội viên, nghệ nhân thực hành, biểu diễn. Qua đó, góp phần giới thiệu giá trị văn hóa của làn điệu dân ca này đến với công chúng, nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng.
Vĩnh Phúc là địa phương đang lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của văn hóa xứ Đoài. Đến nay, tỉnh đã công bố danh mục 571 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 7 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng nhiều lễ hội và các trò diễn dân gian độc đáo. Bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; đồng thời đây cũng là điều kiện để Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Lưu Trường